- Trào lưu thay ảnh đại diện Facebook ủng hộ cộng đồng LGBT
- LGBT là gì? Cờ LGBT và Cộng đồng LGBT!
- Lịch sử thuật ngữ LGBT, các biến thể của thuật ngữ LGBT và Ngày chống kỳ thị LGBT
- Các thuật ngữ mô tả từng mảnh ghép trong LGBT hay LGBT+ hay LGBTQI+ (Chi tiết)
- Mảnh ghép: Lesbian (Viết tắt Les)
- Mảnh ghép: Gay (Cuối thế kỷ 20: Gay men)
- Mảnh ghép: Bisexual
- Mảnh ghép: Transgender (Mảnh ghép đặc biệt)
- Mảnh ghép: (+) – Cộng hoặc Plus
- Mảnh ghép: Q – Queer hoặc Questioning
- Mảnh ghép: I – Intersex
- Mảnh ghép: A – Asexual (Ace)
- Mảnh ghép: P – Pansexual
- Mảnh ghép: C – Cisgender hoặc Cissexual (Người hợp giới)
- Mảnh bổ sung: Non-binary
- Mảnh bổ sung: Gender nonconforming (hoặc Gender variance)
- Tham khảo bài viết: Bánh giới tính
- Tham khảo bài viết: Cờ LGBT và những lá cờ của từng mảnh ghép trong LGBT
- Ngày chống kỳ thị LGBT là ngày nào? Các ngày lễ LGBT!
- IDAHOBIT – Ngày chống kỳ thị LGBT – 17/05 hàng năm
- Pride Month – Tháng tự hào – Tháng 6 hàng năm
- International Transgender Day of Visibility – Ngày Quốc tế Hiện diện Người Chuyển giới – 31/03 hàng năm
- Transgender Awareness Week – Tuần lễ nâng cao nhận thức về người chuyển giới – Từ 13/11 đến 19/11 hàng năm
- Transgender Day of Remembrance – Ngày Tưởng niệm Người chuyển giới (TDOR) – 20/11 hàng năm
Bạn đã từng nghe ai đó, báo chí, tivi, tiktok nói về thuật ngữ LGBT chưa? Ngân chắc chắn rằng số nhiều đã từng nghe nhưng chưa hiểu lắm ý nghĩa của nó, và nguồn gốc của nó. Bài này Ngân sẽ giải thích từng phần một để mọi người hình dung ra nhé!
Nào, đi theo Ngân ^^ Trước tiên, Ngân sẽ gợi nhớ lại một số khoảnh khắc về LGBT, đó là Trào lưu thay ảnh đại diện Facebook ủng hộ cộng đồng LGBT.
Trào lưu thay ảnh đại diện Facebook ủng hộ cộng đồng LGBT
Nhớ không nhầm là vào năm 2015, cái thời mà Facebook nó y như Tiktok vậy! Có biến một cái là rần rần hà, nổi bật nhất là mọi người rủ nhau thay ảnh đại diện, ảnh bìa.
Nhớ không nhầm thì vào ngày 26/6/2015 được xem là cột mốc dấu đánh dấu sự kiện trọng đại của cộng đồng LGBT tại Mỹ, khi tòa án tối cao nước này đã thông qua điều luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới với 4/5 phiếu thuận.
Theo đó, các cặp đồng tính nam – nữ trên toàn nước Mỹ có thể đăng ký kết hôn và được hưởng mọi quyền lợi. Trong trường hợp ly hôn, tòa án sẽ xử lý phân chia tài sản, con cái như những cặp đôi bình thường khác.
Mọi người cùng hò reo ăn mừng. Ảnh: CNN.
Nhân sự kiện này, một ứng dụng mới mang tên Celebrate Price của Facebook được cộng đồng mạng thế giới chia sẻ. Chỉ cần người dùng truy cập vào trang này, ảnh đại diện của họ sẽ tự động được chèn thêm hình cờ 6 sắc.
Fanpage của Nhà Trắng tiên phong trong trào lưu này và sau đó là nhiều trang báo lớn trên thế giới như Buzzfeed, Huffington Post… cũng hưởng ứng nồng nhiệt.
Tại Việt Nam, các thành viên trong cộng đồng LGBT đồng loạt chia sẻ niềm vui trước thông tin Mỹ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Mọi người nhanh chóng dùng phần mềm Celebrate Price thêm bộ lọc màu 6 sắc vào ảnh đại diện.
Trong đó, các thành viên nhóm hài nổi tiếng BB&BG cũng đồng loạt tham gia. Ảnh đại diện mới của Trần Bảo Bảo sau một giờ đăng tải hút hơn 5.000 like (thích) cùng hàng trăm bình luận.
Trưởng nhóm hài chia sẻ: “Trước giờ nhóm đều ủng hộ cộng đồng LGBT. Khi nhận được thông tin, chúng tôi rất vui và cùng nhau đổi avatar để kêu gọi mọi người”.
Ảnh đại diện mới của trưởng nhóm hài BB&BG. Ảnh: NVCC.
Minh Thành (20 tuổi, TP HCM) hào hứng nói: “Tôi vừa báo tin này đến những bạn bè trong cộng đồng LGBT. Mọi người đều vui mừng, ủng hộ bộ luật mới của nước Mỹ. Hy vọng trong thời gian không xa, Việt Nam cũng có những chính sách tương tự”.
Và thế là Báo chí, Tivi, Facebook rần rần trào lưu thay ảnh đại diện được phủ 1 lá cờ lục sắc (6 màu – đỏ, cam, vàng, lục, lam, và tím). Ngân cũng không ngoại lệ, khi đó cũng làm 1 tấm ngay và liền. Vì trên Facebook có cả đề xuất tạo ảnh đại điện nữa, bấm vô phát là Facebook sẽ tự chèn cờ LGBT lục sắc vào luôn.
Vậy, LGBT là gì nhỉ? Chúng ta đi sâu hơn nhé
LGBT là gì? Cờ LGBT và Cộng đồng LGBT!
+ Đầu tiên, thuật ngữ LGBT là 4 từ viết tắt của:
- Lesbian (đồng tính luyến ái nữ),
- Gay (đồng tính luyến ái nam),
- Bisexual (song tính luyến ái),
- Transgender (chuyển giới).
Trong đó, Les và Gay và Bisexual mô tả về Xu hướng tính dục con người (Nói về sự hấp dẫn về mặt tình cảm), riêng Transgender (Trans) mô tả về Bản dạng giới (hoặc/và Thể hiện giới) (Nói về sự chuyển đổi của giới tính). Mọi người lưu ý nhé, vì Ngân tham khảo một số bài viết họ ghi rằng: “LGBT là một cụm từ tiếng Anh viết tắt để miêu tả các xu hướng tính dục (ngoài dị tính) của con người.” là sai hoàn toàn, tuy nó đúng nhưng chưa đủ và không rõ ràng nên suy ra là sai 100% nhé! Cũng giống như một câu định lý hay châm ngôn, sai một ly là đi một dặm lận mọi người! Mà phải nói như sau:
LGBT (hay LGBTQI+) là một thuật ngữ bao gồm các mảnh ghép viết tắt để miêu tả các Xu hướng tính dục (ngoài dị tính) và Bản dạng giới (hoặc/và Thể hiện giới) của con người.
+ Tiếp theo, thuật ngữ LGBT không chỉ là những chữ cái viết tắt. Mà còn có nhiều ý nghĩa khác nhau:
- LGBT còn là một Cộng đồng LGBT
- LGBT còn là một Tổ chức quốc tế
- LGBT còn là Lá cờ lục sắc – Cờ LGBT – Cờ 6 màu
- LGBT còn là Biểu tượng nhận dạng người trong giới
- LGBT nhiều hơn thế! LGBT+
Một nghiên cứu thống kê tại đất nước Mỹ, có khoảng 3,5% dân số được xác định là người đồng, người song tính và người muốn chuyển giới về giới tính thật của mình nhưng ngoài ra cũng có rất nhiều người không có cảm xúc tình dục với bất kỳ giới tính nào đây có thể được gọi là người vô tính.
Ở thời kỳ xa xưa, khi y học chưa phát triển, xã hội chưa hiện đại như ngày nay thì những người thuộc cộng đồng LGBT có thể bị coi là mắc bệnh tâm thần, mọi người không công nhận đây là một giới tính mà nghĩ người LGBT là những người bị tâm thần, có vấn đề về thần kinh. Nhưng kể từ ngày 15/7/1990 Liên Hiệp Quốc công bố LGBT không phải là một bệnh tâm thần – một cột mốc đáng nhớ với những người thuộc cộng đồng LGBT bởi họ đã chính thức được thừa nhận, được tự do sống với chính mình và được coi là một trong những cộng đồng của nhân loại.
Trong những năm gần đây, trên thế giới, cộng đồng LGBT ngày càng phát triển mạnh mẽ, ở Châu âu, một số nước như Hà Lan, Tây Ban Nha,… đã chấp nhận hôn nhân đồng tính và coi đó là hôn nhân hợp pháp.
Hình ảnh cờ lục sắc của cộng đồng LGBT
Thêm một sự kiện đáng nhớ đối với những người LGBT đó là ngày 26/6/2015 Mỹ đã thông qua, cho phép kết hôn đồng tính trên khắp cả nước. Chắc hẳn trong số chúng ta ai cũng biết được Mỹ là đất nước tiên tiến, phát triển hàng đầu trên thế giới cho nên sự công nhận về luật pháp cho cộng đồng LGBT ở Mỹ đã tạo ra bước ngoặt lớn cho cộng đồng này trên thế giới. Dấu mốc đặc biệt quan trọng này còn được ông chủ Facebook tham gia hưởng ứng phong trào bằng cách thay đổi hình đại diện của mình thành nền cờ lục sắc (6 màu), cộng đồng mạng thời điểm đó thay nhau đổi ảnh đại diện cờ lục sắc.
Tại nước ta, những năm gần đây cộng đồng LGBT cũng phát triển khá nhanh và mạnh mẽ với việc có rất nhiều người dám đứng ra đồng thời thừa nhận giới tính của mình và sống thật với chính mình.
– Theo medlatec.vn #Mục_1 –
Bây giờ Ngân sẽ nói về lịch sử của LGBT!
Lịch sử thuật ngữ LGBT, các biến thể của thuật ngữ LGBT và Ngày chống kỳ thị LGBT
Lịch sử thuật ngữ:
Theo wikipedia, Thuật ngữ LGBT bắt đầu được sử dụng từ những năm 1990, tên viết tắt này bắt nguồn từ LGB, được dùng để thay thế thuật ngữ Gay do sự xuất hiện của cộng đồng LGBT+ vào nửa cuối thập niên 1980, khi những nhà hoạt động xã hội tin rằng cụm từ cộng đồng gay không đại diện chính xác và bao gồm những người mà nó nói đến.
Người đồng tính (homosexual), cụm từ được sử dụng rộng rãi đầu tiên giờ đây mang một hàm ý tiêu cực ở nước Mỹ. Sau đó, nó được thay thế bởi homophile vào những năm 1950 và 1960, và tiếp theo là gay vào những năm 1970; cụm từ gay được chấp nhận trước bởi cộng đồng người đồng tính.
Khi mà những người đồng tính nữ ngày càng tạo dựng được sự hiện diện, thì cụm từ “đồng tính nam (Gay) và đồng tính nữ (Lesbian)” cũng trở nên thông dụng hơn. Một cuộc tranh cãi về việc liệu mục tiêu chính trị của người đồng tính nữ nên là nữ quyền hay quyền của người đồng tính đã dẫn đến sự tan rã của một số tổ chức dành cho người đồng tính nữ, bao gồm Daughters of Bilitis, tan rã vào 1970, theo đó là tranh cãi về việc nên đặt vấn đề nào là ưu tiên hàng đầu trước. Khi mà sự bình đẳng là ưu tiên hàng đầu đối với những nhà nữ quyền đồng tính nữ, sự bất tương xứng vai vế giữa nam và nữ cũng như giữa butch (tính nam) và femme (tính nữ) bị coi là biểu hiện của chế độ phụ quyền. Các nhà nữ quyền đồng tính nữ đã né tránh vai trò về giới – thứ đang phổ biến ở các quán bar khi đó – cũng như “chủ nghĩa sô vanh” của những người đồng tính nam; nhiều nhà nữ quyền đồng tính nữ từ chối hợp tác với người đồng tính nam, hoặc đảm nhiệm sứ mệnh của họ.
Những người đồng tính nữ giữ quan điểm bản chất luận, rằng họ sinh ra là đồng tính luyến ái và sử dụng từ “đồng tính nữ” để định nghĩa sự hấp dẫn về tình dục, thường coi những ý kiến ly khai của những người theo chủ nghĩa nữ quyền là bất lợi cho bản chất quyền của người đồng tính. Những người song tính và chuyển giới cũng tìm kiếm sự công nhận là những nhóm chính thức trong cộng đồng thiểu số lớn hơn.
Trước sự phấn khởi về sự thay đổi sau hành động nhóm trong cuộc bạo loạn Stonewall năm 1969 ở thành phố New York, vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, một số người đồng tính nam và đồng tính nữ dần trở nên ít chấp nhận người song tính hoặc chuyển giới hơn. Các nhà phê bình nói rằng những người chuyển giới thể hiện không đúng theo các khuôn mẫu về họ và những người song tính chỉ đơn giản là những người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ người e sợ phải công khai và thành thật về bản dạng của họ. Mỗi cộng đồng đã phải đấu tranh để phát triển bản sắc riêng của mình bao gồm cả việc liệu có nên hay không và làm thế nào, để hòa hợp với những cộng đồng dựa trên giới và tính dục khác, dẫn đến việc đôi khi loại trừ các phân nhóm nhỏ hơn; những xung đột này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Các nhà hoạt động LGBT+ và các nghệ sĩ đã sử dụng những áp phích để nâng cao nhận thức về vấn đề này kể từ khi phong trào bắt đầu.
Từ khoảng năm 1988, các nhà hoạt động bắt đầu sử dụng thuật ngữ LGBT ở Hoa Kỳ. Mãi đến những năm 1990, trong phong trào này, người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới mới được tôn trọng một cách bình đẳng. Điều này đã thúc đẩy một số tổ chức áp dụng những cái tên mới, như Hiệp hội Lịch sử GLBT đã làm vào năm 1999. Mặc dù cộng đồng LGBT+ đã chứng kiến nhiều tranh cãi liên quan đến việc chấp nhận phổ biến đến các nhóm thành viên khác nhau (đặc biệt là các cá nhân song tính và chuyển giới, đôi khi bị cho ra rìa bởi cộng đồng LGBT lớn hơn), thuật ngữ LGBT đã là một biểu tượng tích cực của sự hòa nhập.
Mặc dù trên danh nghĩa, LGBT không bao gồm tất cả những từ viết tắt chỉ các cá nhân trong các cộng đồng nhỏ hơn (xem Các biến thể thuật ngữ bên dưới), thuật ngữ này thường được chấp nhận để bao gồm những người không được xác định cụ thể trong nghĩa viết tắt của bốn chữ cái. Nhìn chung, việc sử dụng thuật ngữ LGBT theo thời gian đã hỗ trợ phần lớn trong việc đưa những cá nhân bị thiệt thòi vào cộng đồng chung. Nữ diễn viên chuyển giới Candis Cayne vào năm 2009 đã mô tả cộng đồng LGBT+ là “nhóm thiểu số cuối cùng”, và lưu ý rằng “Chúng ta vẫn có thể bị quấy rối một cách công khai” và “bị gọi tên trên truyền hình”.
Vào năm 2016, Hướng dẫn tham khảo về phương tiện truyền thông của GLAAD tuyên bố rằng LGBTQ là thuật ngữ được ưa thích hơn, bởi vì nó bao gồm các thành viên trẻ của cộng đồng chấp nhận từ Queer là một từ tự mô tả bản thân. Tuy nhiên, một số người xem “Queer” là một thuật ngữ xúc phạm có nguồn gốc ngôn từ kích động thù địch và từ chối nó, đặc biệt là một số thành viên lớn tuổi.
Đến nay, có thêm nhiều chữ cái mới và vấn đề vị trí giữa các chữ cái vẫn chưa được giải quyết. Nên nhiều người thường dùng LGBT+ để biểu thị rằng cộng đồng còn bao gồm những nhóm khác.
Nguồn: Wikipedia #Lịch_sử_thuật_ngữ
Các biến thể của thuật ngữ:
Nhiều biến thể bao gồm các thuật ngữ thay đổi vị trí của cái chữ cái như LGBT hay GLBT là những thuật ngữ thông dụng nhất. Tuy giống nhau về nghĩa, LGBT thường mang hàm ý nghiêng về nữ quyền hơn GLBT vì chữ cái “L” (đồng tính nữ) được đặt lên đầu. LGBT cũng bao gồm chữ cái Q tượng trưng cho người “Queer” hoặc “băn khoăn về xu hướng tính dục của bản thân” (đôi khi được viết tắt với một dấu hỏi chấm và được dùng cho những người không hẳn là L, G, B hay T), tạo ra những thuật ngữ LGBTQ hay LGBTQQ. Ở Anh, thuật ngữ được cách điệu thành LGB&T, trong khi Đảng Xanh nước Anh và xứ Wales dùng thuật ngữ LGBTIQ trong các ấn phẩm và tuyên ngôn chính thức của mình.
Thứ tự của các chữ cái không được tiêu chuẩn hóa, ngoài các biến thể giữa các chữ “L” hay “G”, những chữ cái ít thông dụng hơn, nếu được sử dụng, thì có thể được đặt ở bất kỳ vị trí nào. Những thuật ngữ dài dựa trên LGBT thường bị cho là hỗn tạp và quá khó hiểu. Các thuật ngữ biến thể thường không tượng trưng cho sự khác biệt về quan điểm chính trị trong cộng đồng, mà thường chỉ đơn giản là nêu lên sự lựa chọn của các cá nhân và nhóm.
Nguồn: Wikipedia #Các_biến_thể_của_thuật_ngữ
Một số cách viết đa dạng về LGBT:
- LGBT
- LGBT+
- LGBTQ+
- LGBTQI+
- LGBTIQ+
- LGBTQA+
- LGBTIQA+
- …
Ok! Bây giờ Ngân sẽ tóm gọn thế này, vì thuật ngữ LGBT có rất nhiều biến thể nên mọi người sẽ bị rối. Do đó, Ngân sẽ chỉ cách nhận biết như sau:
- Cứ thấy ai dùng Icon cờ lục sắc ⇒ Mạnh dạng đoán ngay họ trong giới LGBT
- Cứ thấy ai để từ LGBT ⇒ Mạnh dạng đoán ngay họ trong giới LGBT
- Cứ thấy ai để mấy cái Icon về gender (giới tính, gen sinh học) ⇒ Mạnh dạng đoán ngay họ trong giới LGBT
- Hoặc một dãy chữ dài thiệt dài, và có 4 ký tự đầu tiên là LGBT ⇒ Mạnh dạng đoán ngay họ trong giới LGBT
Theo Ngân, cách viết các thuật ngữ trên một cách chuẩn nhất sẽ như sau (Chọn cách nào cũng được, riêng Ngân sẽ chọn LGBTQI+):
- LGBT
- LGBT+
- LGBTQ+
- LGBTQI+
Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về các thuật ngữ mô tả từng mảnh ghép trong LGBT:
Các thuật ngữ mô tả từng mảnh ghép trong LGBT hay LGBT+ hay LGBTQI+ (Chi tiết)
Mảnh ghép: Lesbian (Viết tắt Les)
Lesbian hay còn gọi là Les, nghĩa là Đồng tính Nữ nói riêng, Đồng tính nói chung. Đồng tính nghĩa là tình yêu/ sự thu hút cùng giới với nhau. Như vậy, đồng tính nữ nghĩa là 2 nữ yêu nhau/ có cảm xúc với nhau/ thu hút nhau.
Ngoài ra, có một từ châm biếm dùng để miệt thị những cô gái bị Les là Ô môi. Tại sao lại gọi là ô môi? Bắt nguồn từ tiếng “homo” của Pháp và người Việt đọc thành ô mô và lái sang tiếng Việt. Ô môi ám chỉ những cô gái ngoài dị tính, ví dụ như cô gái Les, cô gái Tomboy,…
Dựa trên Bánh giới tính: Giới tính sinh học vẫn là Nữ, nhưng xu hướng tính dục là yêu cùng giới (tức vẫn là Nữ).
Dựa trên giới tính: Những người nữ Les không có nhu cầu chuyển giới. Họ chỉ có nhu cầu yêu người cùng giới (Nữ yêu Nữ).
Mảnh ghép: Gay (Cuối thế kỷ 20: Gay men)
Gay, nghĩa là Đồng tính Nam nói riêng, Đồng tính nói chung. Đồng tính nghĩa là tình yêu/ sự thu hút cùng giới với nhau. Như vậy, đồng tính nam nghĩa là 2 nam yêu nhau/ có cảm xúc với nhau/ thu hút nhau.
Vào những năm 2000, báo chí rầm rộ về thuật ngữ Bê-đê. Bê đê ám chỉ những chàng trai ngoài dị tính, những chàng trai mà ẻo lã, hoặc đồng tính, hoặc yếu đuối khác thường. Đây cũng là một thuật ngữ dùng để châm biếm, miệt thị những người bị Gay nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung. Cụ thể:
Ở Việt Nam, pê đê (hay bê đê) thường mang nghĩa miệt thị, chỉ những người đàn ông đồng tính hoặc có tính nữ. Pédéraste /pedeʀast/ (n) là một từ gốc Pháp, chỉ những người đàn ông có hành vi tình dục với trẻ em nam (Tra cứu trên Cambridge Dictionary). Xuất phát điểm của từ này mang ý nghĩa kì thị. Đầu thế kỉ 20, người Pháp đã bắt đầu sử dụng pédéraste để chỉ những người đồng tính.
Trong những năm 1930, khi kiến thức về giới tính và tính dục vẫn còn rất hạn chế, giới tri thức Việt Nam tìm hiểu về nội dung này phần lớn qua sách báo của Pháp. Từ pédéraste được du nhập thông qua các đầu sách về đồng tính.
Trong nhiều năm liền, giới truyền thông thường dùng từ pê đê để chỉ những người thuộc cộng đồng LGBT+. Theo một khảo sát của viện iSEE năm 2011, số bài truyền thông về đồng tính thể hiện sự kỳ thị chiếm tới 41% tổng số các bài báo được đưa vào nghiên cứu.
“Các đầu báo chỉ dừng lại ở ngôn ngữ gây sự hiếu kỳ, giật gân”, theo iSEE. Sự tác động của truyền thông khiến không ít người dùng từ pê đê với ý miệt thị.
“Ngày trước, mỗi lần đọc báo thấy tin về người đồng tính, ba mình lúc nào cũng mắng là “Bọn pê đê”. Lên lớp bạn trai nào không ra ngoài chơi cùng đám con trai cũng bị trêu là “Đồ pê đê ẻo lả”. Trong kí ức tuổi thơ của mình, pê đê đồng nghĩa với người xấu, và mình là kẻ không bình thường.” – M.C, một người đồng tính nam, chia sẻ.
Dựa trên Bánh giới tính: Giới tính sinh học vẫn là Nam, nhưng xu hướng tính dục là yêu cùng giới (tức vẫn là Nam).
Dựa trên giới tính: Những người nam Gay không có nhu cầu chuyển giới. Họ chỉ có nhu cầu yêu người cùng giới (Nam yêu Nam).
Mảnh ghép: Bisexual
Bisexual hay Bi nghĩa là lưỡng tính, tình yêu song tính, bị thu hút bởi cả hai giới. Theo cách dễ hiểu là sự kết hợp giữ Les và Gay, chỉ là ví dụ thôi nha chứ họ không có bị Les hay Gay đâu, nói bậy người ta chửi đó ^^.
Nghĩa là sao? Nghĩa là họ có thể yêu nam, có thể yêu nữ, họ bị thu hút bởi cả 2 giới. Không quan trọng là Nam hay nữ, miễn là người đó tốt và có cảm xúc.
Bisexual có 2 dạng:
- Bisexual Nam (Bi nam): Nói về một người con trai là Bisexual. Họ có thể yêu nam và/hoặc nữ.
- Bisexual Nữ (Bi nữ): Nói về một người con gái là Bisexual. Họ có thể yêu nữ và/hoặc nam.
Bisexual này có thể áp dụng cho cả Nam và Nữ nha. VD: Bi Nam (Nam Nam, Nam Nữ), Bi Nữ (Nữ Nam, Nữ Nữ).
Dựa trên Bánh giới tính: Giới tính sinh học vẫn là Nam hoặc vẫn là Nữ, nhưng xu hướng tính dục là có thể yêu người cùng giới hoặc người khác giới (miễn là có tình cảm với nhau, không quan trọng nam hay nữ).
Dựa trên giới tính: Những người Bi Nam hay Bi Nữ cũng không có nhu cầu chuyển giới. Họ chỉ có nhu cầu tìm người yêu là nam và/hoặc nữ để yêu nếu thấy hợp.
Mảnh ghép: Transgender (Mảnh ghép đặc biệt)
Riêng Transgender hơi đặc biệt, nghĩa là không phải nói về Xu hướng tính dục nữa, mà nói về Bản dạng giới và Sự thể hiện giới hay còn gọi là Sự hoán tính/ Đổi giới tính.
Transgender hay Trans nghĩa là Chuyển giới. Trong đó, có 2 dạng:
- Chuyển giới Nam – Là từ Nữ sang Nam – Transgender Guy/ Man hay Trans Guy/ Trans Man
- Chuyển giới Nữ – Là từ Nam sang Nữ – Transgender Girl/ Woman/ Women hay Trans Girl/ Trans Woman/ Trans Women
Chuyển giới Nữ (Nam sang Nữ)
Chuyển giới Nam (Nữ sang Nam)
Để hiểu rõ hơn về Người chuyển giới, lý do chuyển giới. Các bạn có thể tham khảo bài viết sau: Lời Mở Đầu – Nghiên Cứu Về Chuyển Giới Nữ – Transgender Girl/ Women.
Ngân sẽ tóm gọn bài viết trên như sau:
- Nghĩa là một người Nam, hoặc một người Nữ khi sinh ra cơ thể vẫn bình thường như bao người khác.
- Nhưng sâu bên trong họ (tâm hồn, linh hồn, nhận thức) bị ngược lại với giới tính được sinh ra. Hay còn gọi là: Thể xác của họ không đúng với sâu bên trong của họ. Cũng có thể tạm gọi là họ bị nắn lộn giới tính!
- VD: Họ là nam nhưng tâm hồn là nữ, vì vậy họ bị Bức bối giới (Tìm hiểu tại đây). Giống như một người lành lặn mà bị mất đi một bộ phận trên cơ thể vậy.
- Do đó, họ chọn cách Chuyển giới. Chuyển giới về đúng với giới tính họ muốn.
Vì vậy, người chuyển giới không phải bị Les, cũng không phải bị Gay, mà là do cơ thể của họ không đúng với giới tính sâu bên trong của họ. Đơn giản là bị sinh ra lộn giới tính thì giờ mình nắn lại cho đúng giới tính mong muốn! Đó là lý do tổ chức y tế thế giới WHO đã công nhận người chuyển giới không phải là một căn bệnh và không phải chữa bệnh, mà hãy trả cho họ giới tính mong muốn!
Người chuyển giới cũng có Xu hướng tính dục đa dạng đó nha. Để mọi người dễ hình dung, hãy lấy kết quả cuối cùng của người chuyển giới:
- Chuyển giới nữ, thì kết quả cuối cùng của họ là muốn làm con gái => Nữ giới
- Chuyển giới nam, thì kết quả cuối cùng của họ là muốn làm con trai => Nam giới
Vậy, xét về tình yêu, tình cảm, cảm xúc của người chuyển giới nữ và chuyển giới nam, sẽ có 5 nhóm sau:
- Chuyển giới dị tính luyến ái (Nói về xu hướng tính dục của những người bình thường)
Chỉ sự hấp dẫn về tình cảm và tình dục với người khác giới. Cụ thể, con trai yêu con gái gọi là dị tính luyến ái, con gái yêu con trai gọi là dị tính luyến ái.
VD: Chuyển giới Nữ (Nam sang Nữ). Họ sẽ yêu người khác giới (chắc chắn là Nam rồi) => Trans Girl
Chuyển giới Nam (Nữ sang Nam) và yêu người khác giới (chắc chắn là Nữ rồi) => Trans Guy - Chuyển giới đồng tính luyến ái (Nói về xu hướng tính dục đồng tính, tương tự như Gay hoặc Les)
Chỉ sự hấp dẫn về tình cảm và tình dục với người cùng giới. Cụ thể, con trai yêu con trai gọi là đồng tính luyến ái, con gái yêu con gái gọi là đồng tính luyến ái.
VD: Chuyển giới Nữ (Nam sang Nữ) và yêu Nữ luôn ⇒ Trans Girl – Les (Gọi tắt: Trans Les)
Chuyển giới Nam (Nữ sang Nam) và yêu Nam luôn ⇒ Trans Guy – Gay (Gọi tắt: Trans Gay) - Chuyển giới song tính luyến ái (Nói về xu hướng tính dục song tính, tương tự như Bisexual)
Chỉ sự hấp dẫn về tình cảm và tình dục với cả 2 giới. Cụ thể, con trai có thể yêu được con trai hoặc con gái, hay con gái có thể yêu được con gái hoặc con trai luôn.
VD: Chuyển giới Nữ (Nam sang Nữ) và có thể yêu Nam hoặc Nữ đều được => Trans Girl – Bi (Gọi tắt: Trans Bi)
Chuyển giới Nam (Nữ sang Nam) và có thể yêu Nữ hoặc Nam đều được => Trans Guy – Bi (Gọi tắt: Trans Bi) - Chuyển giới toàn tính luyến ái (Nói về xu hướng tính dục toàn tính, tương tự như Pansexual)
Chỉ sự hấp dẫn về tình cảm và tình dục với tất cả các giới, không phân biệt giới tính hay cảm xúc của người đó.
VD: Yêu ai cũng được, kể cả Gay, Les, Tomboy, Lưỡng tính,… bla bla. Cái quan trọng là họ có tốt, có tình cảm với mình hay không! Túyp người này coi bộ hơi dễ tính nhỉ ^^ - Chuyển giới vô tính luyến ái (Nói về xu hướng tính dục vô tính, tương tự như Asexuality)
Chỉ sự không bị hấp dẫn tình dục, hoặc không hay ít quan tâm đến các hoạt động tình dục. Đối với kiểu người này, họ không quan tâm đến tình cảm, tình yêu, tình dục. Đại loại là họ không có nhu cầu, không hứng thú để yêu.
VD: Ế tới già =))) Túyp người này coi bộ nghiêm túc lắm !^=^
Ngân đã phân tích xong 4 mảnh ghép chính và cơ bản của thuật ngữ LGBT. Còn rất nhiều mảnh ghép khác được ký hiệu bằng dấu cộng (+) như LGBT+ hay LGBTQI+ và hơn thế LGBTQIAP+. Được rồi, Ngân sẽ tiếp tục:
Mảnh ghép: (+) – Cộng hoặc Plus
Dấu cộng “+” được sử dụng để biểu thị tất cả xu hướng tình dục và bản dạng giới không giống với bất kỳ dạng nào được đề cập ở trên (L-G-B-T). Có thể là Q, I, A,…
Một ví dụ là Two-spirit, một dạng bản sắc của người Mỹ bản địa.
Ví dụ người Two-spirit
Two-spirit là một nét đặc biệt trong nền văn minh của người da đỏ bản xứ châu Mỹ. Trong xã hội ngày ấy, giá trị của một người được đánh giá qua những gì họ cống hiến cho bộ lạc chứ không phải nữ tính hay nam tính. Thậm chí, bố mẹ cũng không chỉ định một giới tính nào đó cho con mình. Đa phần trang phục họ mặc là trung tính, cả nam lẫn nữ đều mặc được. Khi những đứa trẻ ấy lớn lên sẽ tự nhận thức rõ ràng về bản dạng giới và lựa chọn cách cư xử, ăn mặc cho phù hợp với mình.
Mảnh ghép: Q – Queer hoặc Questioning
Q là viết tắt của Queer hoặc Questioning.
Questioning là thuật ngữ để chỉ những người chưa xác định chắc chắn xu hướng tình dục và/hoặc bản dạng giới của mình (Ngoài dị tính và không chuyển giới).
Queer có thể hiểu đơn giản là: Những người khác biệt. Một từ bao hàm nhiều nghĩa được dùng chỉ đa dạng các kiểu người (Ngoài dị tính và không chuyển giới).
Trong đó 4 nghĩa phổ biến hiện nay là:
1. Kì quặc, hay ho
Queer là kì quặc hay là hay ho, quái thai hay hấp dẫn, là tùy thuộc cảm quan của riêng bạn. Ví dụ: một cô nàng để kiểu tóc 2 trong 1 – vừa có nam, vừa có nữ, đối với bạn thì thật kì cục quái đản nhưng đối với người khác thì lại là một phong cách lôi cuốn, mạnh mẽ.
2. Cảm thấy hấp dẫn bởi những người có giới tính khác nhau
Mặc dù xã hội truyền thống chỉ công nhận 2 giới nhưng thực tế từ xưa đến nay đã cho thấy giới phức tạp hơn thế nhiều. Queer có thể là từ tự xưng dành cho những người bị hấp dẫn bởi nam giới, nữ giới, song tính hoặc các kiểu người có nét cá biệt, kì quặc khác.
Những người tự cảm thấy mình có biểu hiện về giới và tính dục khác thường, ít gặp hơn so với những người thuần nam, thuần nữ xung quanh, có thể tự gọi mình là queer để mô tả đặc tính của mình. Nhờ sự mơ hồ và bao quát trong ngữ nghĩa này mà queer đang càng lúc càng được ưa chuộng nhiều hơn.
3. Người không thuần dị tính
Queer cũng được dùng để bao hàm chung hết thảy những người không thuần dị tính (hoàn toàn chỉ có tình cảm và quan hệ với người khác giới). Queer có thể bao gồm cả LGBTQIA+.
Điều này giúp những người cá biệt ấy tránh được việc tự đóng khuôn bản thân vào các định nghĩa có phần cứng nhắc hơn như đồng tính nam nữ hay chuyển giới. Bởi lẽ “queer” không cụ thể như “gay”. Từ “queer” không nói lên được giới tính của bạn, trong khi đó chỉ cần nhắc đến “lesbian” là người ta sẽ biết rằng bạn là một phụ nữ và bạn thích người nữ.
4. Chỉ đặc tính của một lớp người ủng hộ đa dạng
Queer cũng là một danh xưng cho rất nhiều người chống chuẩn hóa – những người tự cảm thấy mình khác biệt nhưng không muốn gói gọn mình vào danh mục gay hoặc lesbian.
Tuy có thời điểm họ cũng bị nhóm gay/lesbian xem là “ngoại nhân” nhưng họ cũng đều khao khát xã hội nhìn nhận mình tồn tại song song với nhóm truyền thống trường tồn chỉ có nhị-phân-giới (nam-nữ) trước đây. Hiện nay họ muốn dùng chính từ “queer” như là đòn phản kháng dành cho nhóm người thích kì thị người đồng tính.
Tóm lại, queer có thể hiểu là “người có giới tính khác biệt, cảm xúc, mối quan hệ khác biệt” trong khi gay lại là “người có cảm xúc, quan hệ với người cùng giới”.
Mảnh ghép: I – Intersex
Theo wikipedia, Liên giới tính (tiếng Anh: Intersex) là thuật ngữ chỉ những người có những đặc điểm giới tính (bao gồm bộ phận sinh dục, cơ quan sinh sản, nội tiết tố sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính) mà theo như Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc mô tả rằng “không phù hợp với định nghĩa điển hình của cả nam giới hay nữ giới”. Điều này có thể biểu hiện rõ ràng từ khi mới sinh, hay đến khi dậy thì mới bắt đầu phát triển và biểu hiện ra ngoài hoặc không rõ ràng, và có thể có một số người cả đời không hề hay biết bản thân là người liên giới tính.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, liên giới tính là một dạng dị tật bẩm sinh của hệ thống cơ quan sinh dục và giới tính. Sự phát triển giới tính ở bào thai là kết quả của nhiều gen và đột biến ở bất kỳ gen nào trong số này có thể dẫn đến sự định hình giới tính thất bại một phần hoặc hoàn toàn. Chúng bao gồm các đột biến hoặc bất thường về cấu trúc nhiễm sắc thể Y, dẫn đến rối loạn hình thành bộ phận sinh dục (nữ XX hoặc nam XY), khiếm khuyết quá trình sinh tổng hợp hooc-môn giới tính androgen, và những khuyết tật khác. Chứng “lưỡng tính thật” là một tình trạng khiếm khuyết di truyền trong đó những người bị ảnh hưởng có cả cơ quan sinh dục nam và nữ (buồng trứng và tinh hoàn).
– Wikipedia –
Mảnh ghép: A – Asexual (Ace)
Theo wikipedia, Vô tính luyến ái (tiếng Anh: Asexuality) là sự không bị hấp dẫn tình dục, hoặc không hay ít quan tâm đến các hoạt động tình dục. Nó có thể được xem là sự không có, hoặc là một trong những xu hướng tính dục, bên cạnh dị tính, đồng tính, song tính và toàn tính. Đây cũng có thể là một thuật ngữ rộng hơn để chỉ một loạt các loại hình vô tính khác nhau. Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy tỉ lệ người vô tính trong dân số Anh là 1%.
Vô tính khác với kiêng tình dục và sống độc thân ở chỗ cả hai dạng sau đều thuộc về hành vi và đến từ quan điểm cá nhân hay tôn giáo, trong khi vô tính là một thiên hướng tình dục và có khuynh hướng lâu dài hoặc vĩnh viễn. Một số người vô tính vẫn có hoạt động tình dục mặc dù thiếu ham muốn cũng như hấp dẫn tình dục bởi vì họ muốn làm thỏa mãn đối tác, để làm cho mình dễ chịu, để sinh con, hoặc vì một số lý do nào khác.
Sự chấp nhận vô tính như là một thiên hướng tình dục và là một lĩnh vực của nghiên cứu khoa học vẫn còn khá mới, bởi những nghiên cứu về mặt xã hội cũng như tâm lý học về chuyện này mới chỉ mới bắt đầu. Trong khi một vài nhà nghiên cứu khẳng định đây là một thiên hướng tình dục, số khác lại không xem như vậy.
– Wikipedia –
Mảnh ghép: P – Pansexual
Mảnh ghép P này hơi đặc biệt, Ngân nghĩ là ở Việt Nam, có nhiều người thuộc mảnh P mà không biết đó nha. Pan hay Pansexual cũng tương tự như Bisexual, nhưng khác ở chỗ là nó rộng hơn và bao hàm cả Bisexual.
Pansexual hay Omnisexual hay Polysexual được hiểu giống nhau là Toàn tính luyến ái. Nghĩa là người đó có cảm xúc/ tình cảm/ tình yêu/ hấp dẫn bất kỳ ai, miễn là người đó đáp trả lại.
Bạn đừng nhầm lẫn với Bisexual nhé, Bi thì chỉ 2 giới tính dị tính thôi, đó là Nam và Nữ. Còn Pansexual là bao gồm cả giới tính dị tính và phi dị tính và hơn thế… (+).
Mảnh ghép: C – Cisgender hoặc Cissexual (Người hợp giới)
Mảnh ghép này có vẻ như bị mâu thuẩn, gây tranh cãi và bị chỉ trích rất nhiều. Nhưng Ngân vẫn để ở đây cho mọi người tham khảo qua.
Qua các tài liệu Ngân đọc qua, thì từ Cisgender (Hợp giới) được ra đời để nhằm phân biệt với từ Transgender (Chuyển giới). Nhưng nhớ là 2 từ này trái nghĩa nhau nha:
Cisgender ≠ Transgender
- Cisgender nghĩa là một người bình thường khi sinh ra có giới tính trùng khớp với giới tính họ mong muốn (bình thường)
- Transgender nghĩa là một người khi sinh ra có giới tính không trùng khớp với giói tính họ mong muốn (sai cơ thể)
Để tìm hiểu rõ hơn, mọi người có thể xem qua 2 bài viết sau:
» What do transgender and cisgender mean?
Tại sao phải sinh ra 2 từ này rồi để phân biệt Cisgender ≠ Transgender để làm gì? Ờ thì… =))) Là kỳ thị đó!
Còn nữa còn nữa ^^ Một số tài liệu quốc tế, họ còn đưa thêm 2 mảnh ghép bổ sung khác đó là: Non-binary và Gender nonconforming. Nhưng 2 từ này Ngân nghĩ là có thể đưa vô mảnh ghép Q – Queer cũng hợp lý. Thôi lỡ tìm hiểu rồi thì cho nó tới luôn he! Lest go!
Mảnh bổ sung: Non-binary
Non-binary nghĩa là Giới tính Không nhị phân hoặc Người trung tính. Nhị phân là đề cập đến hai giới tính – nam và nữ, thì Không nhị phân hiểu là được xác định không phải là cả hai giới tính trên.
Để tìm hiểu sâu hơn, có thể truy cập 2 bài viết sau:
» Mục Non-binary – timesofindia.indiatimes.com
» Phi nhị nguyên giới – Wikipedia
Mảnh bổ sung: Gender nonconforming (hoặc Gender variance)
Gender nonconforming (hoặc Gender variance) nghĩa là Phương sai giới tính hoặc sự không phù hợp về giới tính. Nó giống như là một phiên bản lỗi ^^.
Được hiểu là họ không cảm thấy hài lòng về giới tính của họ, và sau khi chuyển đổi thì họ vẫn cảm thấy không hài lòng hoặc cảm thấy không phù hợp, không đúng,… Cho nên họ thường luân phiên thay đổi Giới tính cũng như Xu hướng tính dục tùy vào thời điểm khác nhau.
Tìm hiểu rõ hơn tại Wikipedia.
Nào, xem như xong phần mảnh ghép LGBTQIAP+ nhá. Mà chưa hết đâu nha, còn rất nhiều mảnh ghép khác nữa, nhưng Ngân chỉ biết bao nhiêu đây, nó cũng đủ rồi nhỉ? Nếu chưa đủ, bạn có thể tham khảo một số bài viết sau:
- Wikipedia – Biểu tượng LGBT – Gallery
- LGBTQ+ Pride flags and what they represent
- Glink Việt Nam Commerce – LÁ CỜ CỦA NIỀM TỰ HÀO NÓI LÊN CỘNG ĐỒNG BẠN ĐANG GẶP PHẢI VẤN ĐỀ GÌ?
Tham khảo bài viết: Bánh giới tính
Bài này nói sâu về Giới tính, nghĩa là Giới tính cơ bản là Nam và Nữ, nhưng phân tích chuyên sâu sẽ có rất nhiều biến thể bên trong. Nếu bạn trong LGBT cần xác định rõ hơn bạn thuộc kiểu nào từ sâu bên trong (Giới tính thể hiện ra bên ngoài, Tình yêu giữa bạn và người kia,…). Nếu bạn không phải LGBT và muốn tìm hiểu sâu về giới tính thì bài này sẽ giúp bạn.
Tham khảo bài viết: Cờ LGBT và những lá cờ của từng mảnh ghép trong LGBT
Ở bài này, bạn sẽ được tìm hiểu về tất cả các loại cờ có trong LGBT nhé. Cờ LGBT (hay LGBT+, LGBTQI+,…) và những lá cờ của từng mảnh ghép trong LGBT.
Cuối cùng, không gì khác đó là nói về Những sự kiện, những ngày lễ của LGBT nè!
Ngày chống kỳ thị LGBT là ngày nào? Các ngày lễ LGBT!
IDAHOBIT – Ngày chống kỳ thị LGBT – 17/05 hàng năm
Trước khi được Liên Hợp Quốc công nhận, trong một thời gian dài ở Đức, ngày 17/5 được xem là Gay Day. Mãi cho đến ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Điều này là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.
Tận đến ngày 17/5/2014, với nỗ lực không ngừng của 24.000 cá nhân và các tổ chức về LGBT lớn như Hiệp hội đồng tính nữ và đồng tính nữ quốc tế ILGA, Ủy ban Nhân quyền Đồng tính và Đồng tính Quốc tế (IGLHRC), Hội nghị Thế giới của những người Do Thái LGBT và Liên minh Đồng tính nữ châu Phi, ngày 17/5 mới chính thức trở thành Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính, dị tính và chuyển giới (LGBT) – IDAHOBIT (International Day Against Homophobia, Biphobia, Interphobia & Transphobia) được Liên Hợp Quốc thông qua.
Ngày Quốc tế chống kì thị LGBT đã được chính thức công nhận tại nhiều nước nước như Canada, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Anh, Mexico, Costa Rica, Croatia, Hà Lan, Pháp, Luxembourg, Venezuela và Liên minh châu Âu EU… Ủy ban IDAHOBIT được hình thành ở nhiều nước để tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện này.
Mục đích chính của ngày IDAHOT là nhằm giúp nâng cao nhận thức của xã hội về nạn bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, sự kiện ngày 17/5 là tiền đề để tổ chức nhiều hoạt động vì LGBT với mong muốn thay đổi cách nhìn của xã hội và tác động đến các nhà hoạch định chính sách. Cách thức hưởng ứng ngày IDAHOT ở các nước có sự đa dạng để phù hợp với văn hóa, tôn giáo và xã hội của mỗi quốc gia.
Trong ngày 17/5, có rất nhiều hoạt động hưởng ứng đa dạng, phù hợp với văn hóa của từng quốc gia như: Diễu hành cờ lục sắc (lá cờ biểu tượng của cộng đồng LGBT+), tuần hành và lễ hội, liên hoan nghệ thuật, hội thảo hay các cuộc thi tài năng với tinh thần sôi động và vui vẻ. Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như cuộc diễu hành đường phố khổng lồ vinh danh ngày 17/5 trong suốt 3 năm qua do con gái của Chủ tịch Cuba Raul Castro dẫn đầu tại Cuba, Mariela Castro, lễ hội âm nhạc “Love Music Hate Homophobia”, Global Rainbow Flashmob…
Tại Việt Nam, trong ngày Quốc tế chống kỳ thị LGBT nói riêng và “tháng Tự hào LGBT” nói chung, cũng có rất nhiều hoạt động bổ ích được cộng đồng LGBT+ Việt Nam tổ chức, ví dụ như diễu hành VietPride, các hội thảo về LGBT… với sự ủng hộ của nhiều nhãn hàng và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước.
Pride Month – Tháng tự hào – Tháng 6 hàng năm
Pride Month là tháng tự hào dành cho những người giới tính thứ 3 (LGBT) và diễn ra vào tháng 6 hàng năm để phản đối một cách hòa bình và nâng cao nhận thức chính trị về các vấn đề hiện tại mà cộng đồng LGBT trên toàn thế giới phải đối mặt.
Vào tháng 6 hàng năm, cộng đồng LGBT tổ chức nhiều sự kiện Gay Pride (niềm tự hào đồng tính) khác nhau trên toàn thế giới như diễu hành tự hào, dã ngoại, tiệc tùng, lễ hội âm nhạc… thu hút hàng triệu người tham gia.
Tháng tự hào LGBT không chỉ dành cho những người là thành viên của cộng đồng LGBT, hoặc những người đã công nhận mà còn dành cho cả những người không còn ác cảm với những người LGBT.
Tại sao Pride Month bắt đầu vào tháng 6?
Pride Month bắt đầu vào tháng 6 và diễn ra trong cả tháng để kỷ niệm cuộc bạo động tại quán rượu Stonewall 1969 ở làng Greenwich, vùng Manhattan, New York của những người đồng tính nhằm chống lại một cuộc vây bắt của cảnh sát Mỹ.
Sự kiện này được coi là vụ việc đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ khi mà cộng đồng LGBTQ tại đất nước này phản kháng lại một hệ thống của chính phủ nhằm trừng trị những người có xu hướng tính dục thiểu số.
Cuộc bạo động tại quán rượu Stonewall đã trở thành sự kiện đánh dấu sự bắt đầu của cuộc đấu tranh cho các quyền của người đồng tính ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Các cuộc bạo động và các cuộc biểu tình sau đó giúp cho những người trong cộng đồng LGBT có tiếng nói trong xã hội, từ đó dẫn đến việc thành lập mặt trận giải phóng người đồng tính.
Vào ngày 28 tháng 6 năm 1970, tại New York đã diễn ra cuộc diễu hành về sự tự hào, bình đẳng của những người đồng tính, với một tuyến đường đi qua The Stonewall Inn. Sự kiện này trở thành truyền thống được tổ chức hàng năm và cho tới nay vẫn được tiếp tục.
International Transgender Day of Visibility – Ngày Quốc tế Hiện diện Người Chuyển giới – 31/03 hàng năm
Ngày Quốc tế Người chuyển giới (hay còn gọi là TDOV, Ngày Người chuyển giới) là một sự kiện hàng năm diễn ra vào ngày 31 tháng 3 dành để kỷ niệm những người chuyển giới và nâng cao nhận thức về sự phân biệt đối xử của những người chuyển giới trên toàn thế giới, cũng như một lễ kỷ niệm đóng góp của họ cho xã hội.
Ngày được thành lập bởi nhà hoạt động chuyển giới Rachel Crandall ở Michigan vào năm 2009 như một phản ứng đối với việc không công nhận LGBT đối với những người chuyển giới, với lý do thất vọng rằng ngày duy nhất lấy người chuyển giới làm trung tâm là Ngày chuyển giới của Tưởng nhớ, trong đó thương tiếc cho những người chuyển giới bị sát hại, nhưng không thừa nhận và tôn vinh các thành viên còn sống của cộng đồng chuyển giới. Ngày Quốc tế Chuyển giới đầu tiên được nhìn thấy được tổ chức vào ngày 31 tháng 3 năm 2009. Kể từ đó, nó đã được tổ chức vận động thanh niên Trans Student Education Resources có trụ sở tại Hoa Kỳ dẫn đầu.
Vào năm 2014, ngày này được các nhà hoạt động trên khắp thế giới quan sát – bao gồm cả ở Ireland và ở Scotland.
Joe Biden đã chính thức tuyên bố ngày 31 tháng 3 năm 2021 là Ngày chuyển giới, một phần tuyên bố: “Tôi kêu gọi tất cả người Mỹ tham gia đấu tranh vì bình đẳng hoàn toàn cho tất cả những người chuyển giới.” Nhà Trắng đã công bố tuyên bố này; điều này khiến Biden tổng thống Mỹ đầu tiên ban hành tuyên bố chính thức của tổng thống công nhận Ngày chuyển giới.
Transgender Awareness Week – Tuần lễ nâng cao nhận thức về người chuyển giới – Từ 13/11 đến 19/11 hàng năm
Mỗi năm từ ngày 13 – 19/11, mọi người và các tổ chức trên khắp đất nước tham gia Tuần lễ nâng cao nhận thức về người chuyển giới để giúp nâng cao tầm nhìn về người chuyển giới và giải quyết các vấn đề mà cộng đồng phải đối mặt.
Tuần trước Ngày Tưởng niệm Người chuyển giới vào ngày 20 tháng 11, mọi người và các tổ chức trên khắp đất nước tham gia Tuần lễ nâng cao nhận thức về người chuyển giới để giúp nâng cao tầm nhìn của người chuyển giới và giải quyết các vấn đề mà cộng đồng phải đối mặt.
Transgender Day of Remembrance – Ngày Tưởng niệm Người chuyển giới (TDOR) – 20/11 hàng năm
Ngày Tưởng niệm Người chuyển giới (TDOR) là một lễ kỷ niệm hàng năm vào ngày 20 tháng 11 nhằm tôn vinh tưởng nhớ những người chuyển giới đã mất mạng vì những hành vi bạo lực chống chuyển giới.
Ngày tưởng nhớ người chuyển giới (TDOR) được bắt đầu vào năm 1999 bởi người ủng hộ người chuyển giới Gwendolyn Ann Smith như một buổi cầu nguyện để tưởng nhớ Rita Hester, một phụ nữ chuyển giới đã bị giết vào năm 1998. Buổi lễ tưởng niệm tất cả những người chuyển giới đã mất vì bạo lực kể từ sau sự kiện Rita Hester. cái chết, và bắt đầu một truyền thống quan trọng đã trở thành Ngày tưởng nhớ những người chuyển giới hàng năm.
Năm 2021 đánh dấu năm chết chóc nhất được ghi nhận với ít nhất 45 người chuyển giới, hầu hết là người Da đen hoặc Latinx, thiệt mạng.
Và còn nhiều ngày lễ, sự kiện về LGBT. Nhưng Ngân sẽ đưa ra một vài Sự kiện, ngày lễ lớn cũng như liên quan đến Transgender thôi nha.
À những sự kiện này được bắt nguồn từ quốc tế, vì vậy ngày ở Việt Nam với ngày ở quốc tế sẽ có sự chênh lệch +-1.
Xong! Bài quá xá dài. Nếu bạn nhìn thấy dòng này của Ngân nghĩa là cũng rất chăm chỉ nghiên cứu đọc bài luôn, cảm ơn bạn đã xem, chúc bạn ngày mới tốt lành!
Tác giả: Phan Kim Ngân – https://chuyengioinu.com.vn
Vui lòng giữ bản quyền tác giả!
Xin chào! Lại là Ngân xinh đẹp dễ thương đây ^^ Nhớ theo dõi Website Chuyển Giới Nữ thường xuyên nhé! Hoặc follow mạng xã hội của Ngân ở bên dưới.
Ngoài ra nếu bạn cũng là Chuyển giới nữ, có mong muốn đóng góp kiến thức cho cộng đồng thì hãy cùng Ngân phát triển Website + Fanpage Chuyển Giới Nữ này nhé!