Bài viết này Ngân sẽ nói về những nội dung xoay quanh Hormone điều trị liệu pháp thay thế hormone (HRT) nữ bằng đường tiêm nhé. Lưu ý, bài này chỉ hướng dẫn cho Chuyển giới nữ – Trans Girl/ Trans Women. Đối với những chị em phụ nữ vui lòng không làm theo, phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ cũng như điều trị theo đúng bệnh.
CHÚ Ý: MỘT LẦN NỮA NGÂN XIN NHẮC LẠI, BÀI VIẾT NÀY CHỈ DÀNH CHO CHUYỂN GIỚI NỮ ĐANG CẦN PHẢI ĐIỀU TRỊ HORMONE (HRT), VÌ VIỆT NAM CHƯA CHO PHÉP CHUYỂN GIỚI NỮ ĐIỀU TRỊ Y TẾ TẠI BỆNH VIỆN (HRT) NÊN BUỘC PHẢI CÓ BÀI VIẾT NÀY ĐỂ GIẢM THIỂU RỦI RO. ĐỐI VỚI PHỤ NỮ KHÁC VUI LÒNG ĐẾN BỆNH VIỆN NẾU CÓ NHU CẦU ĐIỀU TRỊ BỆNH THIẾU HỤT ESTROGEN Ở PHỤ NỮ (NGOÀI 30 TUỔI). NGÂN SẼ KHÔNG CHỊU MỌI TRÁCH NHIỆM VỀ PHÁP LUẬT CŨNG NHƯ VỀ SỰ SAI TRÁI HOẶC KHÔNG TUÂN THỦ THEO SỰ KHUYẾN CÁO CỦA BÀI VIẾT NÀY.
Nếu bạn đọc hết bài viết này, nghĩa là mặc định bạn đã đồng ý với quy định, điều khoản cũng như chấp nhận các rủi ro có thể xảy ra. Bài viết này khuyến cáo chỉ dành cho chuyên viên y tế cũng như những người chuyển giới nữ đã và đang sử dụng liệu pháp thay thế hormone nữ (HRT) bằng đường tiêm bắp (Intramuscular – IM – By Injection).
Hormone nữ dạng tiêm
Có rất nhiều thương hiệu cũng như bao bì sản phẩm. Về cơ bản, hormone nữ dạng tiêm sẽ có thành phần chính là Estrogen (Oestrogen hay Oestradiol hay E2):
- Estradiol Benzoate Injection – Oestrogen (10x1ml). Thành phần: Oestradiol Benzoate 5mg. (Ống màu trắng)
Ngoài ra, một số bạn còn dùng kết hợp thêm Progesterone (P4) ống màu nâu. Đối với ống nâu, có thể dùng hoặc không dùng tùy tâm lý (Vì hormone dạng Progesterone chỉ có tác dụng với nữ). Các thương hiệu mẫu mã như:
- Phenokinon F Injection – 3 ampoules x 1cc. Thành phần: Progesterone 50mg; Estradiol Benzoate 5mg.
- Estradiol Valerate Injection USP – Progynon (10 amps x 1ml). Thành phần: Estradiol Valerate USP 10mg/ml.
- Proluton Depot – 3 amp x 1ml. Thành phần: Hydroxyprogesterone Caproate Injection 250mg.
- Proluton Depot – 20 amp x 1ml. Thành phần: Hydroxyprogesterone Caproate Injection 250mg.
Hướng dẫn cách đặt mua
- Phân loại: Thuốc kê đơn.
Do thuộc nhóm thuốc kê theo đơn, vì vậy tại các bệnh viện cũng như các nhà thuốc sẽ không bán cho chúng ta nếu không có đơn của bác sĩ, đối với thuốc hormone cũng tương đối khó kiếm hơn, có thể bạn sẽ gặp phải thuốc giả, thuốc nhái, bùng tiền thuốc,…
Ở đây, Ngân sẽ không chỉ ra người bán thuốc được vì lý do riêng, nhưng sẽ gợi ý các bạn cách tìm mua thuốc dạng tiêm như sau:
- Tham gia các hội chuyển giới nữ trên Facebook và hỏi thăm người bán có uy tín.
- Hỏi trực tiếp các bạn chuyển giới nữ đang điều trị hormone dạng tiêm.
- Mua trực tiếp với các bạn chuyển giới có tên tuổi, hoặc các bạn hay lấy hàng bên thái.
- Nhờ nhà thuốc đặt hộ (Nếu họ đồng ý hoặc quen biết).
- Liên hệ trưc tiếp chị Lâm Thanh Thảo – https://www.youtube.com/channel/UCwrgXV8LmeVqtOf5fDGiymw.
- Vào các chợ thuốc lớn tìm mua.
Cách dùng và Liều lượng
Cách dùng
- Thuốc dùng đường tiêm bắp, việc tiêm bắp có thể gây đau nên cần được thực hiện bởi nhân viên y tế.
- Trước khi tiến hành tiêm, cần lắc đều thuốc để dược chất được hòa tan đồng đều.
- Không được tự ý tiêm.
Liều dùng
- Liều lượng cần sử dụng và điều chỉnh theo chỉ định của bác sĩ
- Việc dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và được thực hiện bởi người có năng lực chuyên môn.
- Không tự ý sử dụng thuốc.
- Liều lượng tiêm hormone sẽ thay đổi sau 2, 3 tháng. Việc tự tiêm hormone mà không chú ý liều lượng có thể dễ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đối với Phụ nữ chuyển giới tự điều trị, cần làm các điều sau
- Xét nghiệm sinh hóa Gan. Cách xét nghiệm: Lấy mẫu máu. Kiểm tra thường xuyên các tiềm ẩn về gan (nếu có).
- Xét nghiệm nội tiết Hormone (Estradiol – E2* và Testosterone). Cách xét nghiệm: Lấy mẫu máu. Thang đo tham chiếu: Nữ, Giai đoạn Hoàng thể hoặc Đỉnh rụng trứng. Thời điểm xét nghiệm: Buổi sáng.
- Xét nghiệm nồng độ Prolactin (PRL). Cách xét nghiệm: Lấy mẫu máu. Kiểm tra thường xuyên các tiềm ẩn về tuyến vú (Nếu có) trong thời gian dùng E2.
*Ghi chú:
E1 là nội tiết tố nữ chính được tạo ra bởi phụ nữ sau khi mãn kinh.
E2 là nội tiết tố nữ chính được tạo ra bởi những phụ nữ không mang thai.
E3 là một loại hormone tăng lên trong thai kỳ.
Testosterone là nội tiết tố quan trọng đối với nam giới.
PRL vai trò chính là thúc đẩy sự phát triển của tuyến vú, đồng thời kích thích quá trình tạo sữa ở phụ nữ mang thai.
Sau khi đã xét nghiệm, bạn có thể căn cứ theo giá trị xét nghiệm để điều chỉnh thời gian tiêm thuốc hợp lý để tránh tình trạng E2 và Test chênh lệch ngoài ngưỡng cho phép, khi đó sẽ xảy ra hiện tượng chuyển hóa ngược, rất có hại. Đặc biệt là PRL để tránh các bệnh về tuyến vú.
Cách xem thang đo Estradiol – E2 và Test
Đối với Estradiol – E2: So sánh khung tham chiếu NỮ, ở giai đoạn Hoàng thể (22.3 – 340.3 pg/mL) hoặc Đỉnh rụng trứng (41.1 – 397.4 pg/mL). VD: Nếu kết quả E2 là 238.7, đối với GĐ Hoàng thể là bình thường và hơi thấp với GĐ Đỉnh rụng trứng.
Đối với Testosterone: So sánh khung tham chiếu NỮ lúc bình thường là 0.290 – 1.670 nmol/L. VD: Nếu kết quả Test là 2.66, thì bị vượt ngưỡng 1.670 => TĂNG. Đối với Test, càng thấp càng tốt, nhưng đừng nhỏ hơn 0.290 nhé.
Đối với PRL:
- Chỉ số prolactin ở nữ giới: Ở người khỏe mạnh, không mang thai prolactin máu là 2 – 29ng/ml, ở phụ nữ có thai và cho con bú là 10 – 209 ng/ml.
- Nam giới: 2 – 18 ng/ml.
Nồng độ prolactin trong cơ thể thay đổi khác nhau ở các thời điểm của từng giai đoạn khác nhau. Thường thì lượng prolactin máu sẽ tăng dần khi ngủ và đạt cao nhất ở buổi sáng với thời gian bán hủy sinh học từ 20 – 30 phút. Do đó, thời điểm tốt nhất để lấy máu làm xét nghiệm định lượng prolactin là vào buổi sáng tầm 3 – 4 giờ sau khi thức dậy.
Nồng độ prolactin trong máu tỷ lệ nghịch với nồng độ estrogen (nội tiết tố nữ). Ở phụ nữ sau khi sinh, sẽ có sự sụt giảm đột ngột của estrogen khiến cho nồng độ prolactin tăng lên, kích hoạt cơ thể tạo sữa cho con bú.
Cách điều chỉnh thời gian tiêm sau khi có kết quả thang đo xét nghiệm
Về thời gian/ giờ tiêm: Thông thường, thời gian lý tưởng để bạn tiêm là Buổi tối từ 19h đến 22h và trước khi đi ngủ 30p-60p. Đây là thời điểm hợp lý sau cả ngày làm việc mệt mỏi, cơ thể có thời gian làm việc với thuốc. Ngoài ra, bạn có thể tiêm vào buổi sáng, tránh vận động mạnh, ăn uống đầy đủ, ăn no trước khi tiêm ít nhất 30p.
Về số lần tiêm: Đối với thuốc dạng tiêm, hiệu quả của thuốc rất cao tác dụng nhanh, vì vậy tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc, tiêm quá liều lượng cũng như tiêm vượt quá số liều khuyến cáo. Theo nghiên cứu chung, mỗi 10 ngày tiêm 1 lần là thời gian lý tưởng nhất. Từ đó, bạn có thể căn cứ vào khung kết quả xét nghiệm để điều chỉnh số lần tiêm hợp lý.
VD: Nếu so sánh VD ở trên, Test đang cao, giả dụ hiện đang tiêm 10 ngày 1 lần, ta có thể giảm xuống 7 ngày tiêm 1 lần, sau 1 tháng xét nghiệm lại để xem kết quả điều chỉnh. Gợi ý các cột mốc thường dùng:
-
- 7/1
- 10/1*
- 14/1
- 15/1
*Lưu ý: Ngưỡng 7/1 là thấp nhất, tuyệt đối không được tiêm nhỏ hơn 7 ngày. 7 ngày tiêm 1 lần là ngưỡng điều trị HRT ở mức cao. Mức chuẩn là 10/1 và mức an toàn là 14/1 hoặc 15/1.
Tuy nhiên, liều lượng tiêm hormone sẽ thay đổi sau 2, 3 tháng. Việc tự tiêm hormone cần chú ý đến xét nghiệm thường xuyên mỗi vài tháng 1 lần để điều chỉnh liều tiêm phù hợp. Nếu không sẽ dễ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đối với PRL, nếu kết quả nồng độ dưới 20ng/mL là bình thường => Tốt. Nếu từ 20ng/mL đến 100ng/mL cần can thiệp ngay, cụ thể:
- Từ 20ng/mL đến 40ng/ML: Cần theo dõi và kiểm tra các biểu hiện khiến bạn khó chịu và làm theo tư vấn bác sĩ sau khi xét nghiệm.
- Từ 40ng/mL đến 100ng/ML: Giảm liều lượng tiêm thuốc lại và theo dõi kết quả sau 6-8 tuần. Nghĩa là giảm lượng thuốc trong ống khi tiêm. Nếu bạn đang tiêm mỗi 7 ngày thì tăng lên mỗi 10 ngày hoặc mỗi 14, mỗi 15 ngày 1 lần.
- Trên 100ng/ML: Ngưng tiêm thuốc ngay lập tức, chờ 6-8 tuần kiểm tra lại lượng PRL. Nếu vẫn ở mức cao, cần gặp BS và điều trị ngay. Nếu có sự giảm, sử dụng lại thuốc và giảm liều lượng tiêm thuốc như hướng dẫn ở trên.
Ngoài việc tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để hỗ trợ giảm mức prolactin:
- Thay đổi chế độ ăn uống (chế độ ăn ít thịt)
- Kiểm soát sự căng thẳng của cơ thể
- Không luyện tập thể dục thể thao ở cường độ cao
- Hạn chế mặc các loại quần áo gây khó chịu cho ngực
- Tránh các hoạt động làm kích thích ngực
- Bổ sung vitamin B6 để tăng cường quá trình sản xuất dopamine và vitamin E để ngăn chặn sự gia tăng prolactin
Cách tự tiêm tại nhà (Không khuyến khích)
Chuẩn bị
- Cồn 70 độ chuẩn y tế (Mua tại nhà thuốc, dạng chai xịt 1000ml sẽ tiện hơn).
- Bông/gạc tẩm cồn (Nếu loại khô có thể dùng chai xịt cồn xịt trực tiếp vào).
- Băng cá nhân (Dán sau tiêm).
- Găng tay y tế dùng 1 lần (Nếu không có thì chú ý rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi thực hiện và rửa tay bằng cồn 70 độ trong lúc thực hiện – Chú ý móng tay và trang sức có thể gây ra nhiễm trùng).
- Hộp hấp bông băng y tế inox (Nếu không có, có thể dùng khay inox y tế hoặc các khay tương tự đã được diệt khuẩn bằng cồn).
- Thuốc tiêm.
- Bơm tiêm sử dụng một lần 5ml/cc – Cỡ kim 23Gx1″ (Mũi màu xanh) hoặc 25Gx1″ (Mũi màu cam).
- Kim tiêm rời sử dụng một lần – Cỡ kim 18Gx1/2″ (hút thuốc tiêm vào bơm tiêm).
- Hộp hủy kim tiêm an toàn (Nếu không có, có thể dùng hộp giấy hoặc bịch nilon gói thật kỹ và ghi dòng chữ: Chú ý vật nhọn y tế).
Kỹ thuật tiêm (Tiêm bắp – Intramuscular – IM)
Các chú ý trước khi tiêm
Do đặc tính thuốc Hormone dạng dầu, nên chỉ được tiêm trong bắp cơ – IM.
- Kỹ thuật tiêm chích: Tiêm bắp – Góc 90 độ so với bề mặt da. Tiêm bắp sâu. Kim sâu 2/3 (chừa 1/3 kim – Đối với người béo phì tỉ lệ kim có thể sẽ khác).
- Kết hợp Kỹ thuật Z track trong tiêm bắp – Nhằm giảm trào rỉ thuốc sau tiêm.
- Xác định vị trí tiêm bắp. Tránh các tai biến do tiêm sai vị trí.
- Xác định vị trí kim không rơi vào vị trí mạch máu (Tiêm bắp cơ không có mạch máu).
Trong tiêm bắp gồm có:
- Tiêm bắp nông: Cơ Delta – Vị trí Bắp tay, lượng thuốc không quá 1ml, không dùng tiêm thuốc dầu (Khó tan, dễ hoại tử cơ), không dùng cho cơ Delta chưa phát triển (trẻ dưới 2 tuổi).
- Tiêm bắp sâu*: Gồm bắp đùi và bắp mông. Vị trí Đùi ở giữa 1/3 mặt ngoài đùi, lượng thuốc tiêm không quá 3ml. Vị trí ở Mông ¼ trên ngoài lấy mốc là gai chậu trước trên, lượng thuốc tiêm không quá 3 – 5 ml.
Chú ý về mũi kim:
- Gồm 2 mũi kim, 1 mũi để lấy thuốc, 1 mũi để tiêm.
Cách xem chỉ số kim tiêm:
- CC = Cubic Centimetre = Milliliter. VD: 1cc = 1ml.
- Chỉ số G (gauge) càng cao thì kim tiêm càng nhỏ. Ngược lại số G càng nhỏ thỉ kim tiêm càng lớn.
- Độ dài của kim: Đơn vị đo là inches (“). VD Kim 23Gx1″: 23G = 23 gauge, 1″ = 1 inch = 2.54 cm.
Các bước thực hiện (Tiêm bắp sâu)
- Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn, diệt khuẩn dụng cụ bằng cồn 70 độ.
- Chuẩn bị các dụng cụ, kiểm tra lại các dụng cụ đã chuẩn bị như đã nêu ở trên.
- Mang găng tay y tế dùng 1 lần (nếu có) hoặc rửa lại tay một lần nữa bằng cồn 70 độ nếu không có găng tay y tế.
- Tẩm cồn cho bông/gạc, mở sẳn bao bì băng cá nhân (Chú ý không bóc tấm bảo vệ gạc).
- Tháo ống tiêm, thay kim rời 18Gx1/2″ để hút thuốc vào bơm tiêm.
- Lắc đều thuốc, sau đó búng nhẹ liên tục vào đầu ống cho thuốc xuống phía dưới, dùng gạc bẻ ống thuốc (Tránh mảnh vỡ văng vào tay).
- Hút thuốc vào ống tiêm, làm tương tự với ống thứ 2 (Nếu tiêm kết hợp 2 ống trắng + nâu).
- Thay lại kim tiêm cũ (23Gx1″ hoặc 25Gx1″) để bắt đầu tiêm, tháo kim hút thuốc ra bỏ.
- Tiếp tục lắc nhẹ ống tiêm cho đều thuốc. Đuổi hết bọt khí trong bơm tiêm cho đến khi có vài giọt thuốc bắn ra.
- Bộc lộ vùng cần tiêm (Khuyến khích tiêm mông, thuốc nhanh tan, ít đau).
- Xác định vị trí tiêm (1/4 mông, ở trên, phía bên ngoài). Minh hoạ tiêm xem hình bên dưới.
- Sát khuẩn vùng tiêm rộng từ trong ra ngoài khoảng 5cm, theo hình xoắn óc.
- Tiếp tục rửa tay lại bằng cồn (Nếu dùng găng tay y tế cũng phải xác khuẩn lại).
- Căng da kết hợp Kỹ thuật Z track, đâm kim 1 góc 90 độ so với bề mặt của da. Chừa lại 1/4 kim.
- Rút pittong kiểm tra không có máu, bơm thuốc chậm và đều (Nếu có máu nghĩa là trúng mạch máu, rút ra ngay, bỏ ống tiêm, làm lại từ đầu và chọn vị trí khác).
- Tiếp tục áp dụng Kỹ thuật Z track tránh rỉ thuốc và máu khi rút kim. Rút kim nhanh theo hướng đâm kim vào.
- Sát khuẩn lại vùng đã tiêm, xoa nhẹ vùng tiêm bằng bông gòn/gạc theo hình xoắn óc cho thuốc tan đều tránh bị sưng tấy (Không massage).
- Tháo găng tay (nếu có).
- Thu dọn dụng cụ. Xử lý kim tiêm, các vật dụng y tế.
Minh họa tiêm (Tiêm bắp sâu)
Hình ảnh hướng dẫn
+ Tiêm bắp – Góc tiêm 90 độ – Chừa 1/4 kim: (Đối với người béo phì, tỉ lệ chừa kim sẽ có thay đổi)
+ Trước khi bơm thuốc, cần kéo pitton lên để kiểm tra máu – Nếu có máu dừng lại ngay và làm lại từ đầu – Nếu không có thì tiếp tục tiêm:
+ Các bước rửa tay sát khuẩn đúng cách, áp dụng cho cả cách rửa bằng xà phòng sát khuẩn và bằng cồn:
+ Vùng tiêm an toàn đối với bắp mông, 1/4 mông, phía trên, bên ngoài:
+ Vùng tiêm an toàn đối với bắp đùi, ở giữa đùi, 1/3 đùi phía bên ngoài:
+ Kỹ thuật Z track trong tiêm bắp: Kỹ thuật tiêm Z track áp dụng trong tiêm bắp giúp ngăn chặn sự rò thuốc vào các mô dưới da. Trong khi thực hiện mũi tiêm, da và mô được kéo và giữ cố định khi đâm kim vào bắp thịt và được thả ra sau khi đã bơm thuốc xong.
Cách thực hiện:
- Dùng tay không thuận kéo da sang ngang # 2cm.
- Đâm kim với góc độ 90* so với mặt da, thao tác nhanh vừa phải, dứt khoát.
- Kiểm tra chắc chắn không đâm vào mạch máu.
- Bơm thuốc chậm với tốc độ 10 giây/ 1ml thuốc. Sau khi bơm hết, chờ khoảng 10s trước khi rút kim.
- Rút kim nhanh và thả tay kéo da để da trở về vị trí ban đầu.
- Đặt gạc hoặc gòn khô lên vị trí tiêm, ấn nhẹ cầm máu.
Lưu ý:
- Không massage vị trí tiêm Z track vì có thể tạo áp lực gây kích thích vùng mô.
- Đánh giá lại vị trí tiêm ngay sau tiêm và trong 2 – 4h sau tiêm.
Video hướng dẫn
Video: Kỹ thuật Z track trong tiêm bắp*
Video: Kỹ thuật tiêm bắp – Minh hoạ tiêm ở tay (Bắp nông – Cơ delta)
Video: Kỹ thuật tiêm bắp – Minh hoạ tiêm ở mông (Bắp sâu)*
Video: Kỹ thuật tiêm bắp – Minh hoạ tiêm ở đùi (Bắp sâu) – Có hướng dẫn kèm tiêm ở mông
Video bài giảng lý thuyết: Tiêm bắp sâu – Mông*
Cách bẻ ống thuốc
Video hướng dẫn cách tự bẻ ống thuốc tiêm các loại – Loại có dấu chấm tròn và Loại có viền quanh ống
Chú ý: Đối với ống thuốc Hormone có dung tích nhỏ ~ 1ml/cc, nên được thiết kế lớp vỏ khá yếu. Vì vậy, trong lúc thực hiện hành động bẻ ống, nên dùng bông/gạc bao quanh ống thuốc, để tránh bị vỡ, đâm vào tay.
Ống thuốc có thể bị vỡ toang trong lúc bẻ, bạn nên chú ý cách cầm ống thuốc trong lúc thực hiện. Sao cho tay không được bóp chặt vào ống thuốc, chỉ nên giữ lại. Nghĩa là cố định ống thuốc trên tay thay vì bóp chặt ống thuốc.
Nếu cảm thấy khó khăn, có thể tìm mua “Dụng cụ mở đầu ống thuốc thủy tinh”, “Kẹp bẻ ống thuốc thủy tinh” hoặc dùng vỏ ống tiêm (Video minh hoạ bên dưới) để hỗ trợ, nhưng bạn cũng nên sử dụng gạc/bông bao quanh ống thuốc tránh các mảnh vỡ thủy tinh văng ra hoặc đâm vào tay.
Video minh họa bẻ ống tiêm bằng vỏ bơm tiêm – Nguồn FB Dr.Hope
Ảnh minh họa sử dụng gạc/bông bao quanh ống thuốc, tránh gây tổn thương
Xử lý sau tiêm
- Áp xe thuốc: Áp xe sau tiêm là một trong những biến chứng thứ phát của vết thương sau khi tiêm chích dưới da hoặc tiêm bắp, đặc biệt khi tiêm các thuốc dầu hoặc thuốc nội tiết, thuốc bổ, kể cả vắc-xin. Tham khảo bài viết sau để điều trị áp xe. Rút kinh nghiệm: Cần thực hiện đúng quy trình tiêm, sát trùng kỹ dụng cụ y tế cũng như bàn tay, vị trí tiêm trước và sau khi tiêm.
- Rỉ máu sau khi rút kim: Cần áp dụng Kỹ thuật Z track trong lúc tiêm, lấy gạc bịt chỗ tiêm xoa đều chỗ tiêm theo hình xoắn óc (không massage), và dán băng cá nhân.
- Quá liều: Cần theo dõi triệu chứng sau tiêm và báo ngay bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Đau dữ dội tại chỗ tiêm: Xoa nhẹ chỗ tiêm theo hình xoắn óc (không massage), cần nghỉ ngơi tránh vận động mạnh.
- Ngứa ran hoặc tê: Không sao.
- Đỏ, sưng hoặc thấy nóng ở chỗ tiêm: Xoa nhẹ chỗ tiêm theo hình xoắn óc (không massage).
- Có dịch chảy ra tại chỗ tiêm: Cần áp dụng Kỹ thuật Z track trong lúc tiêm, lấy gạc bịt chỗ tiêm xoa đều chỗ tiêm theo hình xoắn óc (không massage), và dán băng cá nhân.
- Chảy máu kéo dài: Cần áp dụng Kỹ thuật Z track trong lúc tiêm, lấy gạc bịt chỗ tiêm xoa đều chỗ tiêm theo hình xoắn óc (không massage), và dán băng cá nhân.
- Dấu hiệu của một phản ứng dị ứng, chẳng hạn như khó thở hoặc sưng mặt, nổi mẩn đỏ: Cần nghỉ ngơi, uống nước.
Một số mẹo để tiêm bắp trở nên dễ chịu hơn
Mới bắt đầu tiêm, nên dùng mũi 23Gx1″ (màu xanh) để làm quen. Tiêm vài tháng đã quen cách tiêm, nên dùng mũi 25Gx1″ (màu cam) để tiêm. Vì mũi tiêm màu xanh dương có đường kính bự hơn, dễ gây áp xe hơn.
Hình minh họa ống tiêm 5cc và mũi kim xanh 23Gx1″, mũi kim cam 25Gx1″.
Hình minh họa mũi kim bán rời, loại 18Gx1/2″ (màu hồng)
Để giảm thiểu sự khó chịu có thể trước khi tiêm:
- Chườm đá hoặc bôi kem làm tê tại chỗ (không cần thiết phải được Bác sĩ chỉ định) vào vị trí tiêm trước khi làm sạch bằng miếng cồn.
- Để vị trí sát khuẩn cồn khô hoàn toàn trước khi tiêm.
- Làm ấm lọ thuốc bằng cách chà xát lọ thuốc giữa hai bàn tay trước khi lấy thuốc vào bơm tiêm.
- Hãy để một người có kinh nghiệm tiêm cho bạn. Một số người cảm thấy tự tiêm bắp rất khó khăn.
Chống chỉ định và Tác dụng phụ
Chống chỉ định
Thuốc hormone tiêm nói chung, khuyến cáo không được dùng cho các đối tượng sau đây:
- Chống chỉ định trong trường quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Bị tiểu đường hoặc có lượng đường trong máu cao.
- Có tiền sử bị động kinh hoặc bất kỳ loại động kinh nào khác.
- Có tiền sử nhạy cảm với hormone.
- Có vấn đề về tim, gan hoặc thận.
- Có tiền sử hen suyễn hoặc trầm cảm.
- Huyết áp cao hoặc quá thấp.
Tác dụng phụ
- Đau, sưng, ngứa, bầm tím, sưng cứng tại chỗ tiêm.
- Buồn nôn.
- Ngứa.
- Tiêu chảy.
- Đau đầu.
- Sốt.
- Phát ban da.
- Mệt mỏi.
- Chóng mặt.
- Giảm dung nạp glucose.
- Vàng da
Cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị các phản ứng tác dụng phụ của thuốc gặp phải sau khi sử dụng thuốc.
Cần nghỉ ngơi, tránh làm việc mạnh và ăn uống đầy đủ, không được ăn kiên hoặc ăn chay trường.
Bảo quản thuốc
- Bảo quản ở nhiệt độ thích hợp dưới 30°C.
- Không để thuốc trong tủ lạnh, ngăn đá hoặc trên nóc tủ lạnh.
- Để nơi khô thoáng và tránh ánh nắng trực tiếp, tránh ẩm ướt.
- Giữ thuốc xa tầm tay của trẻ em.
Hướng dẫn riêng Đối với phụ nữ chuyển giới đã phẩu thuật/ cắt bỏ tinh hoàn
Do đã phẩu thuật, nên không còn tinh hoàn để sản xuất ra Testosterone nữa, quá trình nữ tính hóa cũng bắt đầu (có thể ít). Cơ chế khi Testosterone trong cơ thể thấp thì lượng Estrogen sẽ được sản sinh (Không nhiều, do không có buồng trứng).
Vì vậy, có thể dùng thêm một số thuốc thuộc nhóm thực phẩm chức năng để bổ sung Estrogen (một số loại thuốc dùng cho phụ nữ mãn kinh), VD: Lamoon Female Hormone Enhancer, SLady, Vitraplus Meno Balance, Tố Nữ Khang, Bảo Xuân Gold, Sắc Ngọc Khang,…
Hoặc có thể dùng trực tiếp thuốc hormone Estrogen hay Estradiol dạng uống với hàm lượng thấp (Thấp hơn hàm lượng được quy định cho chuyển giới nữ chưa phẩu thuật), VD: Cyclo Progynova, Estrofem 1mg or 2mg,…
Lưu ý: Chỉ dùng 1 trong 2 loại thuốc trên, 1 là thực phẩm chức năng bổ sung Estrogen, 2 là thuốc hormone Estrogen hay Estradiol liều thấp.
Ngoài ra, bạn có thể dùng kết hợp thêm thuốc bổ sung Progesterone như: Utrogestan 100mg, Progendo 100mg,… (Lưu ý dùng liều thấp, một tháng 10 – 14 ngày), hoặc có thể không dùng.
Progesterone là hormone sinh dục nữ, được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng sau khi rụng trứng xảy ra. Đây là hormone quan trọng trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt và đặc biệt là chuẩn bị cho quá trình mang thai ở người phụ nữ. Kể từ khi bắt đầu dậy thì, mỗi tháng buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng. Nếu thụ tinh không xảy ra, hoàng thể – một tuyến nội tiết có nhiệm vụ sản xuất hormone, trong đó có progesterone – bị phá vỡ, dẫn tới nồng độ progesterone giảm đi, đến một mức độ nào đó sẽ không còn đủ để duy trì lớp niêm mạc tử cung khiến chúng vỡ ra và tạo thành kinh nguyệt. Nếu thụ tinh xảy ra, progesterone sẽ tiếp tục làm dày thêm lớp niêm mạc tử cung, kích thích các tuyến tiết ra chất dinh dưỡng để nuôi trứng, duy trì thai kỳ. Nồng độ progesterone tương đối thấp trước khi rụng trứng và thường tăng lên sau quá trình này. Progesterone sẽ tiếp tục tăng lên nếu xảy ra hiện tượng thụ tinh hoặc giảm đi nếu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt.
Tương tự như những người khác, bạn cũng nên thường xuyên làm các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ hormone hiện tại của mình nhé:
- Xét nghiệm nồng độ Estrogen – E2
- Xét nghiệm nồng độ Testosterone
Từ đó điều chỉnh thuốc phù hợp. Lưu ý điều chỉnh với lượng nhỏ, hàm lượng liều lượng thấp. Tránh bổ sung Estrogen/ Estradiol, Progesterone liều cao, vì sự bổ sung này chỉ là bước đệm thay thế buồng trứng làm nhiệm vụ.
Tiến trình, quá trình thay đổi Nữ tính hóa theo thời gian điều trị HRT
Liệu pháp Hormone hay còn được gọi là liệu pháp Hormone nữ hóa (FHT-feminizing hormone therapy) hay liệu pháp thay thế Hormone từ nam sang nữ (MTF) được tạo ra với mục đích làm trung gian, giúp họ có được sự nữ tính như mong muốn ở cả bên ngoài cơ thể và bên trong tâm hồn.
Có ba loại Hormone sinh dục là: Androgens, Estrogens và Progestogens. Cơ thể của nam giới có nồng độ Androgen cao và lượng Estrogens rất thấp do tinh hoàn sản sinh còn NỮ GIỚI lại thiếu Androgen và dồi dào Estrogens, Progestogens. Vì vậy, muốn cơ thể được nữ tính và mềm mại hơn cần sử dụng Estrogens, Progestogens và Anti-Androgens (Thuốc kháng Hormone Nam) để điều chỉnh nồng độ Hormone trong mình.
Estrogens (E)
Tác dụng chính của Estrogens là gây ra sự nữ hóa cho Trans Girl, trong đó có làm mềm mại làn da, vòng ngực phát triển, phân bổ lại lượng mỡ (lượng mỡ chủ yếu chuyển vào vùng ngực, mông, hông, đùi), làm cong và mở rộng xương chậu và các thay đổi khác (bao gồm cả ham muốn tình dục)…
Progestogens (P)
Về cơ bản, Progestogens không có vai trò quan trọng nào trong việc hỗ trợ Trans Girl phát triển được các đặc điểm nữ hóa cơ thể mà thay vào đó là tác động vào hệ thống sinh sản.
Anti-Androgens (AAs)
Androgens là loại hormone gây ra sự nam hóa của cơ thể bao gồm thúc đẩy tăng trưởng cơ bắp, xương sườn nở rộng, vai và ngực nở rộng,… Vì vậy, để ức chế lại quá trình này, họ buộc phải sử dụng kèm Anti-Androgens trong liệu trình Hormone của mình
Thời gian tác động
TÁC ĐỘNG | KHỞI PHÁ | HOÀN THÀNH | TÍNH BỀN VỮNG |
Ngực phát triển | 2 – 6 tháng | 1 – 3 năm | Vĩnh viễn |
Lượng lông giảm | 3 – 12 tháng | > 3 năm | Có thể đảo ngược |
Giảm rụng tóc | 1 – 3 tháng | 1 – 2 năm | Có thể đảo ngược |
Làm mềm da | 3 – 6 tháng | Không xác định | Có thể đảo ngược |
Giảm nhờn, mụn | 3 – 6 tháng | Không xác định | Có thể đảo ngược |
Phân bổ lại mỡ | 3 – 6 tháng | 2 – 5 năm | Có thể đảo ngược |
Giảm cơ bắp | 3 – 6 tháng | 1 – 2 năm (2) | Có thể đảo ngược |
Khung xương chậu (3) | Không xác định | Không xác định | Vĩnh viễn |
Tâm trạng, cảm xúc | Ngay tức khắc | Không xác định | Có thể đảo ngược |
Ham muốn giảm | 1 – 3 tháng | 3 – 6 tháng | Có thể đảo ngược |
Giảm xuất tinh | 1 – 3 tháng | Không xác định | Có thể đảo ngược |
Giảm tinh trùng | Không xác định | > 3 năm | Tùy cơ địa (4) |
Giảm tinh hoàn | 3 – 6 tháng | 2 – 3 năm | Không xác định |
Giọng thay đổi | Không (5) | Không | Không |
*Chú thích:
(1): Có thể có sự thay đổi đáng kể tùy yếu tố tác động như di truyền, chế độ dinh dưỡng, mức độ Hormone,…
(2): Có thể có sự thay đổi đáng kể tùy yếu tố tác động như chế độ sinh hoạt, luyện tập thể dục, vận động.
(3): Chỉ có thể xảy ra ở những người còn trẻ tuổi, quá trình đóng đầu xương chưa được hoàn thành (với những đối tượng đã qua tuổi dậy thì có thể sẽ không xảy ra được).
(4): Có thể hồi phục khi ngừng thuốc; Ảnh hưởng tùy thuộc vào cơ địa, sức khỏe và liều lượng sử dụng Hormone.
(5): Cần qua luyện tập.
Sự phân bố mỡ
Giai đoạn ngực phát triển
Ghi chú: Đây là sơ đồ minh họa giai đoạn ngực phát triển của nữ giới. Dùng để tham khảo quá trình hình thành ngực khi điều trị hormone nữ.
Những điều MTF cần biết về liệu pháp Nội tiết tố nữ – Men’s Health
Theo Trung tâm sức khỏe Nam giới Men’s Health
Tác giả: Phan Kim Ngân – Bài viết được viết theo quan điểm cá nhân người chuyển giới.
Xin chào! Lại là Ngân xinh đẹp dễ thương đây ^^ Nhớ theo dõi Website Chuyển Giới Nữ thường xuyên nhé! Hoặc follow mạng xã hội của Ngân ở bên dưới.
Ngoài ra nếu bạn cũng là Chuyển giới nữ, có mong muốn đóng góp kiến thức cho cộng đồng thì hãy cùng Ngân phát triển Website + Fanpage Chuyển Giới Nữ này nhé!