Mục lục bài viết
- Luật pháp về Tín ngưỡng, Tôn giáo, và Mê tín dị đoan
- Quyền tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo
- Sự giống nhau và khác nhau giữa Tôn giáo và Tín ngưỡng
- Sự giống nhau và khác nhau giữa Tín ngưỡng với Mê tín dị đoan
- Mối quan hệ giữa tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan
- Tội xâm phạm quyền tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo của người khác?
- Tình dục và Giới tính trong Tôn giáo?
- Góc nhìn từ Tôn giáo về cộng đồng LGBT nói chung và Chuyển giới nói riêng?
- Góc nhìn từ Y học – Y tế về cộng đồng LGBT nói chung và Chuyển giới nói riêng?
- Bàn về quyền chuyển đổi giới tính Dưới góc độ quyền nhân thân của cá nhân
- Tóm lại
Đây là một chủ đề không hồi kết mà không khó cũng không dễ. Nhưng được rất nhiều người bàn tán, đặc biệt là những phụ huynh lớn tuổi, những người có lối sống cổ hũ, quá khắt khe, người bảo thủ về sự tự do của cái nhìn bên ngoài xã hội,… Có nhiều ý kiến trái chiều cũng như ý kiến ủng hộ động viên khác nhau, do vậy mà Ngân hy vọng bài này sẽ làm rõ những ý kiến ấy, giúp thấu hiểu hơn, có cái nhìn mới mẻ lạc quan hơn.
Bài viết này Ngân không trách móc ai, hay chê bai ai, hay là dụ dỗ cũng như khuyến khích bất kỳ ai phải nghe theo, vì vậy bạn hãy cân nhắc và hoan hỷ khi xem bài viết này nhé!
Để có thêm đầy đủ các lý luận, cơ sở căn cứ luận cứ rõ ràng, và phù hợp được với tất cả Tôn giáo nói chung. Ngân xin phép được kết hợp và trích dẫn một số bài giảng của nhiều Tôn giáo (Phật giáo, Công giáo,…) để làm dẫn chứng, cũng như một số kết luận nghiên cứu của một số tổ chức thế giới (Tổ chức y tế, Hội tâm thần học, Cộng đồng LGBT,…).
Luật pháp về Tín ngưỡng, Tôn giáo, và Mê tín dị đoan
Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
(Khoản 1 và 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016)
Mê tín dị đoan là có niềm tin vào những thứ nhảm nhí, mơ hồ, không có thật và không phù hợp với quy luật tự nhiên, chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực tâm linh và dẫn tới những hậu quả xấu không chỉ đối với cá nhân, gia đình mà còn lan ra cả cộng đồng về thời gian, tài sản, sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm tới cả tính mạng con người.
Mê tín dị đoan thì bao gồm một số hành vi như là: ông đồng, bà cốt, có niềm tin thái quá vào bói quẻ, coi tay xem tướng, tin vào ngày lành tháng dữ và kiêng kỵ đủ thứ vào những ngày này, tin vào số mạng sang hèn, tin vào cúng sao giải hạn, cúng kem, tin rằng việc cầu cúng sẽ tai qua nạn khỏi, chữa được bệnh tật, tin vào thầy bùa thầy chú, v.v …
Quyền tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo
Ở Việt Nam, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 18/11/2016) và trong rất nhiều văn bản pháp luật khác, thể hiện qua các nội dung sau:
– Việt Nam thừa nhận, ghi nhận, tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật;
– Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
– Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo;
– Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
– Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện nghi lễ tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
– Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành án phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
Sự giống nhau và khác nhau giữa Tôn giáo và Tín ngưỡng
Sự giống nhau
Một là, những người có tôn giáo (Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Tin lành,…) và có sinh hoạt tín ngưỡng dân gian (tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Mẫu,…) đều tin vào những điều mà tôn giáo đó và các loại hình tín ngưỡng đó truyền dạy, mặc dù họ không hề được trông thấy Chúa Trời, đức Phật hay cụ kỵ tổ tiên hiện hình ra bằng xương bằng thịt và cũng không được nghe bằng chính giọng nói của các đấng linh thiêng đó.
Hai là, giữa tôn giáo và tín ngưỡng là những tín điều của tôn giáo và tín ngưỡng đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa các cá thể với nhau, giữa cá thể với xã hội, với cộng đồng, giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình trên cơ sở giáo lý tôn giáo và noi theo tấm gương sáng của những đấng bậc được tôn thờ trong các tôn giáo, các loại hình tín ngưỡng đó.
Sự khác nhau
Một là, nếu tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ, thì các loại hình tín ngưỡng dân gian không có 4 yếu tố đó. Giáo chủ là người sáng lập ra tôn giáo ấy (Thích ca Mâu ni sáng lập ra đạo Phật, đức chúa Giê su sáng lập ra đạo Công giáo, nhà tiên tri Mô ha mét sáng lập ra đạo Hồi,…); giáo lý là những lời dạy của đức giáo chủ đối với tín đồ; giáo luật là những điều luật do giáo hội soạn thảo và ban hành để duy trì nếp sống đạo trong tôn giáo đó; tín đồ là những người tự nguyện theo tôn giáo đó.
Hai là, nếu đối với tín đồ tôn giáo, một người, trong một thời điểm cụ thể, chỉ có thể có một tôn giáo thì một người dân có thể đồng thời sinh hoạt ở nhiều tín ngưỡng khác nhau. Chẳng hạn, người đàn ông vừa có tín ngưỡng thờ cụ kỵ tổ tiên, nhưng ngày mùng Một và Rằm âm lịch hàng tháng, ông ta còn ra đình lễ Thánh. Cũng tương tự như vậy, một người đàn bà vừa có tín ngưỡng thờ ông bà cha mẹ, nhưng ngày mùng Một và Rằm âm lịch hàng tháng còn ra miếu, ra chùa làm lễ Mẫu,…
Ba là, nếu các tôn giáo đều có hệ thống kinh điển đầy đủ, đồ sộ thì các loại hình tín ngưỡng chỉ có một số bài văn tế (đối với tín ngưỡng thờ thành hoàng), bài khấn (đối với tín ngưỡng thờ tổ tiên và thờ Mẫu). Hệ thống kinh điển của tôn giáo là những bộ kinh, luật, luận rất đồ sộ của Phật giáo; là bộ “Kinh thánh” và “Giáo luật” của đạo Công giáo; là bộ kinh “Qur’an” của Hồi giáo,… Còn các cuốn “Gia phả” của các dòng họ và những bài hát chầu văn mà những người cung văn hát trong các miếu thờ Mẫu không phải là kinh điển.
Bốn là, nếu các tôn giáo đều có các giáo sĩ hành đạo chuyên nghiệp và theo nghề suốt đời, thì trong các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian không có ai làm việc này một cách chuyên nghiệp cả. Các tăng sĩ Phật giáo và các giáo sĩ đạo Công giáo đề là những người làm việc chuyên nghiệp và hành đạo suốt đời (có thể có một vài ngoại lệ, nhưng số này chiếm tỷ lệ rất ít). Còn trước đây, những ông Đám của làng có 1 năm ra đình làm việc thờ Thánh, sau đó lại trở về nhà làm những công việc khác, và như vậy không phải là người làm việc thờ Thánh chuyên nghiệp.
Theo Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật Minh Khuê
Sự giống nhau và khác nhau giữa Tín ngưỡng với Mê tín dị đoan
Sự giống nhau
Giống như sự giống nhau giữa tôn giáo với tín ngưỡng dân gian, tức là đều tin vào những điều mà mắt mình không trông rõ, tai mình không nghe thấy thân hình và giọng nói của đấng thiêng liêng và của đối tượng thờ cúng; hạ là, những tín điều của tín ngững dân gian và mê tín dị đoan đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với cộng đồng, điều chỉnh hành vi ứng xử trong gia đình trên cơ sở những tín điều mà người ta tin theo và noi theo tấm gương sáng của những đấng bậc và những đối tượng tôn thờ trong các loại hình tín ngưỡng và trong mê tín dị đoan.
Sự khác nhau
Một là, xét về mục đích, nếu sinh hoạt tín ngưỡng có mục đích là thể hiện nhu cầu của đời sống tinh thần, đời sống tâm linh thì người hoạt động mê tín dị đoan lấy mục đích kiếm tiền là chính. Người hoạt động trong lĩnh vực này chỉ làm việc với khách hàng khi có tiền.
Hai là, nếu trong lĩnh vực sinh hoạt tín ngưỡng không có ai làm việc chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, thì những người hoạt động mê tín dị đoan hầu hết là hoạt động bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp. Nhiều người sống và gây dựng cơ nghiệp bằng nghề này.
Ba là, nếu sinh hoạt tín ngưỡng có cơ sở thờ tự riêng (đình, từ đường, miếu,…) thì những người hoạt động mê tín dị đoan thường phải lợi dụng một không gian nào đó của những cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian để hành nghề hoặc hành nghề tại tư gia.
Bốn là, nếu những người có sinh hoạt tín ngưỡng thường sinh hoạt định kỳ tại cơ sở thờ tự (ngày mùng Một, ngày Rằm âm lịch hàng tháng ra đình làm lễ Thánh; hàng năm đến ngày giỗ bố mẹ ông bà, phải làm giỗ,…) thì những người hoạt động mê tín dị đoan hoạt động không định kỳ, vì người đi xem bói chỉ gặp thầy bói khi trong nhà có việc bất thường xảy ra (mất của, chết đuối, ốm đau, hỏa hoạn,…), còn bình thường, có lẽ họ chẳng gặp thầy bói làm gì.
Năm là, nếu sinh hoạt tín ngưỡng được pháp luật bảo vệ, được xã hội thừa nhận thì hoạt động mê tín dị đoan bị xã hội lên án, không đồng tình.
Theo Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật Minh Khuê
Mối quan hệ giữa tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan
Như trên đã trình bày, giữa tôn giáo và tín ngưỡng; giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan có một số điểm khác biệt nhưng cũng có một số điểm tương đồng. Chính từ những điểm tương đồng này khiến chúng có mối quan hệ với nhau. Mối quan hệ đó thể hiện ở các phương diện sau:
Một là, các nhà truyền giáo của các tôn giáo phải dựa vào tín ngưỡng bản địa để tuyên truyền và thể hiện đức tin tôn giáo của mình. Về phía cộng đồng có đời sống tín ngưỡng cũng học hỏi được một số điểm phù hợp của một số tôn giáo về nghi thức hành lễ, về phẩm phục, về cách bài trí nơi thờ tự,…
Hai là, đối với hoạt động mê tín dị đoan, do không có cơ sở thờ tự chính thức, những người hành nghề đã mượn cơ sở thờ tự của tôn giáo (chủ yếu là của Phật giáo) và cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian để hành nghề. Cũng do hành nghề tại các cơ sở thờ tự tôn giáo và tín ngưỡng dân gian mà trong một mức độ nào đó, “độ tin cậy” của họ đối với khách hàng có thể được nâng cao
Ba là, một số tôn giáo và tín ngưỡng dân gian (tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Thành hoàng) dựa vào sự thiếu hiểu biết của người dân đã sử dụng một số thủ thuật của nghề mê tín dị đoan để tăng thêm sự huyền bí của một số lễ thức ngoài tôn giáo và tín ngưỡng (chẳng hạn, lễ thức xin âm dương, rút thẻ,…) mà tôn giáo, tín ngưỡng nào đó vay mượn. Mặt khác, người hành nghề mê tín dị đoan cũng học được ở các pháp sư Phật giáo một số thế tay bắt quyết để họ hành nghề trừ tà ma,…
Bốn là, những người hành nghề mê tín dị đoan hoạt động tại các cơ sở thờ tự tôn giáo và cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian sẽ dễ dàng tiếp cận được với số đông khách hàng, và như vậy, nguồn lợi mà họ thu được sẽ nhiều hơn.
Theo Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật Minh Khuê
Tội xâm phạm quyền tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo của người khác?
Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác được quy định tại Điều 164 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
– Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Dẫn đến biểu tình;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tình dục và Giới tính trong Tôn giáo?
Trước hết cần phân biệt được định nghĩa về Tình dục và Giới tính là 2 thứ hoàn toàn khác nhau.
Về Tình dục
Tôn giáo nói chung: Khuyên chúng ta sống tích cực, văn hóa ứng xử lành mạnh, không tà dâm, nghĩa là đừng có quan hệ nam nữ, hay biểu lộ văn hóa tình dục không chính đáng làm đổ vỡ tình cảm, mang tiếng xấu cho mình và dòng họ, nhằm bảo vệ quyền được hạnh phúc của con người, đảm bảo trật tự an toàn, giảm thiểu tệ nạn xã hội.
Cho dù là tôn giáo nào, hay không có tôn giáo. Đều có một điểm chung: Không tà dâm dục vọng, không làm đỗ vỡ hạnh phúc của người khác,… Tất cả chúng ta sinh ra đều bình đẳng, chỉ cần sống tích cực, văn hóa ứng xử lành mạnh đã là một điều tốt.
Về Giới tính
Giới tính và sự tự do của từng cá nhân, tôn giáo nói chung khuyến khích con người tìm đến những hạnh phúc chân thật hơn với niềm vui cao cấp hơn, lâu bền hơn như niềm vui sống đạo đức, niềm vui của những tâm hồn rộng mở, vị tha đối với người khác, niềm vui của lương tâm không bao giờ bị cắn rứt, ân hận, biết ly dục, những niềm vui sáng tạo vì hạnh phúc số đông và cuối cùng là niềm vui ái diệt là ra đi trong thanh thản.
Như vậy, trong tôn giáo nói chung không có bắt buộc hay yêu cầu tất cả chúng ta sinh ra chỉ được có 2 giới tính là Nam hoặc Nữ. Tất cả chúng ta mỗi người một nét đẹp riêng, tất cả đều là của tạo hóa, của đất trời tạo ra, đều được bình đẳng, đều được tự do.
Dù là Nam hay Nữ, hay có là gì tạo thành, cũng không ảnh hưởng đến Tôn giáo, Tín ngưỡng của bạn. Miễn là trong lòng không cảm thấy có tội, không làm điều sai trái, luôn hướng về việc thiện, tích đức cho mình cũng như cho con cháu sau này. Đó mới là điều được dạy trong các Tôn giáo nói chung.
Là Nữ nhưng chuyển giới để trở thành Nam thì vẫn được công nhận là Nam; Là Nam nhưng chuyển giới để trở thành Nữ thì vẫn được công nhận là Nữ; Hay bạn là một Nam nhưng lại yêu một Nam khác cũng vẫn là chính bạn; Hoặc bạn là một Nữ nhưng lại yêu một Nữ khác cũng vẫn là chính bạn mà thôi. Tất cả cũng được sinh ra từ trời đất, từ tạo hóa, thì có như thế nào cũng cùng một tổ tiên.
Góc nhìn từ Tôn giáo về cộng đồng LGBT nói chung và Chuyển giới nói riêng?
Trong Phật Giáo
Nguồn tham khảo: https://spiderum.com/bai-dang/TON-GIAO-VA-DONG-TINH-PHAN-1-PHAT-GIAO-hwk
https://phatgiao.org.vn/phat-giao-voi-phong-trao-binh-dang-nam-nu-hien-nay-d40507.html
https://xn—hay-uqa.vn/phat-giao-vs-dong-tinh-luyen-ai-lgbt/
Đối với Phật Giáo, đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ, bình đẳng và không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, mầu da và giới tính. Với nguyên tắc thương yêu tất cả mọi loài chúng sinh, Phật giáo không chủ trương xét xử, không chống đối hay chỉ trích người khác, đơn thuần chỉ dựa trên tính chất của người đó, vì điều này được xem như là một sự phê phán thiên vị và không công bằng. Vì thế, xuyên qua những lời giảng dạy của Đức Phật, chúng ta không thấy Ngài phê phán những người đồng tính về phương diện đạo đức.
Những gì Phật giáo nói về giới tính có thể thấy Người không phân biệt ai trong hình tướng nam hay ai trong hình tướng nữ, chỉ quan trọng ở thái độ của họ với việc tu thân hay giúp ích cho đời đúng đắn là được.
Nói xa hơn một chút về vấn đề giới tính hiện nay có thể nhận thấy Phật giáo không phân biệt người đồng tính hay chuyển giới. Với tinh thần nhà Phật, sẽ chẳng vì xu hướng tình dục của ai mà chê bai hay đả kích người khác. Vì tất cả trên cơ sở là bất cứ ai sống trên xã hội này cũng có nét đẹp riêng, là hoa của đất trời.
Trong giới luật áp dụng cho hàng cư sĩ tại gia, không có điều luật hay lời khuyên nhủ nào về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính, miễn là họ có ý thức đóng góp cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn là được.
Lời Phật dạy về vô thường cho thấy cuộc sống nhân sinh cũng chuyển dịch biến hoá không ngừng và tuỳ theo nghiệp của mỗi chúng sinh, giới tính có thể thay đổi từ giới này sang giới khác như người nam trở thành người nữ hay ngược lại và chuyển dịch từ đời này sang đời khác.
Ngay cả hiện tại cũng đã có nhiều người hoặc tự mình thay đổi với sự trợ giúp của y khoa hay tự nhiên thay đổi giới tính. Dù thế nào chăng nữa cũng không ra ngoài nhân quả.
Vì thế, nếu một người thương yêu một người nào đó, dù trong hình dáng nào cũng đều là có nhân duyên nợ nần với người đó ở quá khứ. Chính nhân duyên và nợ nần quá khứ thúc đẩy người ta tìm đến nhau và thương yêu trong hiện tại. Đó là quan hệ nhân quả bình thường, không ai có quyền chỉ trích hay chê bai tới ai cả.
Giáo luật trong Phật giáo cũng không ít nhưng có thể rút ngắn lại còn 5 điểm cơ bản nhất được gọi là Ngũ Giới bắt buộc tất cả tín đồ phải tuân thủ.
Ngũ giới trong đạo Phật – Trì thọ 5 giới cấm:
- Không sát sinh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không dùng chất gây say gây nghiện
Ảnh: Một số mẫu Chứng Điệp Quy Y Tam Bảo cho Phật tử
Để tìm hiểu sâu về Ngũ giới trong đạo Phật – Trì thọ 5 giới cấm – Quy y Tam Bảo xem bài viết tại đây.
Riêng đối với tầng lớp tu sĩ, những người đã xuất gia, dâm giới đồng nghĩa với việc không được quan hệ giới tính, thủ dâm, thị dâm,… dưới bất cứ hình thức nào, kể cả trong tâm thức. Còn đối với tầng lớp Phật tử tại gia, tà dâm được hiểu là các hành vi giới tính vi phạm chuẩn mực đạo đức thông thường. Nhưng như thế nào là chuẩn mực đạo đức thông thường thì có sự khác biệt giữa cá truyền thống Phật giáo, chịu ảnh hưởng nhiều bởi chuẩn mực đạo đức của từng cộng đồng.
Trong Thiên Chúa Giáo: Cụ thể Đạo Công Giáo
Nguồn tham khảo: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dong-tinh-luyen-ai-va-chuyen-gioi-tinh-mot-nhan-dinh-tren-phuong-dien-khoa-hoc-va-luan-ly-cong-giao-42125
Huấn Quyền hiện nay về Người đồng tính
Trên phương diện thần học luân lý, không thích hợp để gắn nhãn hiệu một người là đồng tính luyến ái, ngay cả khi họ có khuynh hướng này. Bởi vì, điều cơ bản hơn là nhân vị nơi mỗi người này. Thật vậy, chính Giáo Hội cũng không xem mỗi người là khác phái tính luyến ái hay đồng tính luyến ái và nhấn mạnh rằng mỗi con người có căn tính cơ bản: đó là tạo thành của Thiên Chúa, và bởi ân sủng, trở thành con cái của Thiên Chúa và thừa hưởng sự sống vĩnh cửu.
Lập trường truyền thống và hiện thời của Giáo Hội Công Giáo Rôma có thể tóm tắt như sau: Giáo hội Công Giáo truyền thống cho đến nay lên án hành vi đồng tính luyến ái vì nó trái với luật tự nhiên. Hành vi đồng tính luyến ái không được chấp nhận trong mọi hoàn cảnh. Đồng tính luyến ái phá vỡ cấu trúc truyền thống của gia đình, là căn bản tốt lành của xã hội và thúc đẩy xã hội phát triển. Con người sinh ra là nam và nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa trong kế hoạch quan phòng của Ngài. Hôn nhân là bối cảnh tự nhiên và mẫu mực cho các diễn tả tình dục (x. Rm 1,26-27). Thực tế hôn nhân đồng tính phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống vốn là căn bản tốt lành xây dựng xã hội và nuôi dưỡng con người (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 2357, 2387).
Từ quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về tính không hợp luân lý của hành vi đồng tính, dễ thấy được, Giáo Hội Công Giáo vẫn luôn không đồng ý việc kết hôn giữa người đồng tính, tuy tôn trọng phẩm giá của các người đồng tính và kêu gọi đối xử bình đẳng. Có nhiều tài liệu bàn về bản chất hôn nhân Công giáo, trong giới hạn bài viết, tôi không đi sâu về điều này. Chỉ muốn thêm rằng những gì là tự nhiên, thì cũng hiển nhiên. Các lập luận ủng hộ, hay các hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính và các phán quyết của các quan toà sẽ không bao giờ khiến cho các hành vi đồng tính hoặc hôn nhân đồng tính trở nên đúng.
Huấn Quyền hiện nay về Người chuyển giới
Bài viết tiếp tục với đề tài chuyển giới tính, mà trong cuộc sống, đôi khi lẫn lộn với đồng tính luyến ái, hay lưỡng tính.
1/ Phải nhìn nhận ước muốn chuyển giới tính chưa phải là một điều xấu luân lý (vì chính đương sự không chọn lựa cho mình ước muốn này), nhưng như một khiếm khuyết khách quan rất nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống đương sự cách sâu xa và lâu dài. Thực tế, người muốn chuyển giới và người chuyển giới gặp nhiều thách thức trong cuộc sống: sự lên án, ghét bỏ, thậm chí tẩy chay, xa lánh của gia đình bạn bè, xã hội, khó khăn tìm việc làm, sức khỏe giảm sút…Tuy nhiên, những người này vẫn có khả năng đảm nhận trách nhiệm về bản thân mình. Chúng ta cần khuyến khích nâng đỡ họ sống thử thách ấy cách tích cực. Chúng ta có thể đồng hành về mặt tâm lý, giúp tìm công việc thích hợp và ổn định, tìm bạn bè tốt, thấu hiểu, lắng nghe…
2/ Huấn quyền dường như chưa lên tiếng rõ ràng về việc giải phẫu chuyển giới. Nhưng dựa trên truyền thống luân lý, ta có thể nhận định rằng Huấn Quyền dứt khoát bác bỏ việc giải phẫu này. Giáo hội Công giáo luôn khẳng định con người không phải “làm chủ” thân xác mình, mà là người đón nhận ơn ban Thiên Chúa, là nam, là nữ, và phải sống hòa hợp với quy luật tự nhiên ở nơi chính thân xác của mình. Con người không thể tự do thay đổi giới tính của mình chỉ vì mình “khát khao” được là giới tính ngược lại với giới tính mình khi sinh ra.
Đoạn trích trong huấn từ của Đức Piô XII với các bác sĩ ngày 13-9-1952 có thể làm sáng tỏ điều này: “Bệnh nhân không phải là chủ nhân trên hết của mình, cả thân xác lẫn tinh thần. Vì thế, bệnh nhân không thể sử dụng mình một cách tùy tiện như mình muốn. Ngay cả lý do khiến bệnh nhân làm thế tự nó cũng không đủ và không thuyết phục. Bệnh nhân bị ràng buộc vào cứu cánh nội tại mà bản tính đã định. Bệnh nhân có quyền sử dụng- dù bị giới hạn bởi cứu cánh tự nhiên- các khả năng và sức lực của bản tính con người. Vì chỉ là người thừa hưởng chứ không phải là sở hữu chủ, nên bệnh nhân không có quyền vô hạn để làm những việc như hủy diệt hay cắt bỏ vì lý do chức năng”.
Trích đoạn trên, cách nay 62 năm, không trực tiếp đề cập đến việc cắt bỏ bộ phận sinh dục, cũng như việc chích nội tiết tố để chuyển giới. Tuy nhiên, ta có thể ngoại suy và áp dụng cho việc giải phẫu chuyển giới. Việc giải phẫu chuyển giới là một sự xấu khách quan nghiêm trọng, vì nó cắt bỏ vĩnh viễn các bộ phận căn bản và lành mạnh của con người.
Tuy nhiên, mỗi người là một mầu nhiệm. Chúng ta cần tự hỏi: “Ta đã thật sự lắng nghe bệnh nhân một cách kiên trì để tìm ra ước muốn sâu xa của họ chưa?”; “Bệnh nhân đã được thông tin đầy đủ rõ ràng hậu quả của việc giải phẫu và việc dùng thuốc nội tiết tố chưa?” Gia đình của đương sự cũng cần được giúp đỡ để có thể thông cảm, nâng đỡ yêu thương đương sự đang cơn khủng hoảng tâm lý, tránh thái độ kết án, xa lánh.
Kết huấn quyền về Người đồng tính và Người chuyển giới
Người đồng tính luyến ái hay Người ước muốn chuyển giới, cần có những anh chị em trên đường lữ thứ trần gian của họ. Chúng ta phải là chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa, đón tiếp họ, và can đảm, khôn ngoan, thận trọng nói cho họ biết đòi hỏi của tình yêu Thiên Chúa, nhắc cho họ mục đích tối hậu của đời người là quê Trời. Mặt khác, có lẽ những người này cũng muốn chúng ta phải nhìn nhận họ là những anh chị em có thể làm chứng cho nhân loại về Thiên Chúa: Một Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam, có nữ và biết rõ thân phận bụi đất của ta. Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 87 (Tháng 3 & 4 năm 2015).
Từ những huấn quyền trên, ta có thể thấy rằng Giáo Hội Công Giáo chưa cho phép Đồng tính (Lesbian hoặc Gay – Tình yêu đồng giới), và không quá đi sâu về Người chuyển giới (Transgender). Sở dĩ người chuyển giới vẫn thuộc về một giới tính bình thường đó là Nam hoặc Nữ, nghĩa là giới tính sau cùng của họ là Nam hoặc Nữ, điều này liên quan đến Y học – Y tế. Khác hoàn toàn với tình yêu đồng giới, nói về Tình yêu trai gái. Sách Sáng Thế từ xa xưa tuyên bố rõ ràng rằng Thiên Chúa đã dựng nên con người là nam và nữ: “Vì thế người nam lìa bỏ cha mẹ mình để kết hợp với vợ mình và cả hai trở thành một thịt” (St 2, 24).
Thật đúng là văn chương Kinh Thánh phụ thuộc vào các thời kỳ khác nhau… Giáo Hội ngày nay rao giảng Tin Mừng cho một thế giới vốn khác nhau về nhiều phương diện so với ngày xưa…
Như vậy, dù là tôn giáo nào thì cái cốt lõi vẫn là khuyên răn chúng ta yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cho dù là ai thì vẫn là anh chị em với nhau, cùng một tổ tông, giúp ít cho đời, không tà dâm, không nói dối nói tục chửi thề, không làm điều ác, luôn làm việc thiện,…
Góc nhìn từ Y học – Y tế về cộng đồng LGBT nói chung và Chuyển giới nói riêng?
Theo Hãng tin AFP, ngày 2-4-2014, Tòa án Tối cao Úc ra phán quyết thừa nhận sự tồn tại của “giới tính thứ ba”, không phải là nam hoặc nữ. Tòa án Tối cao Úc cho rằng không phải tất cả mọi người đều bị buộc phải xác nhận mình là nam hay nữ. Năm 2013, Đức thông qua luật cho phép trẻ sơ sinh mang đặc điểm của cả nam và nữ được đăng ký giới tính không xác định. Chúng ta nghĩ gì về sự kiện này?
Một mặt, đúng như vừa trình bày ở trên, chúng ta thấy có những người lưỡng tính, khó xác định nam hay nữ, nên việc Đức thông qua luật cho phép trẻ sơ sinh mang đặc điểm của cả nam và nữ được đăng ký giới tính không xác định là có thể hợp lý. Trong tương lai, những đứa trẻ này cần được y học giúp đỡ để xác định giới tính và ổn định tâm lý. Mặt khác, từ “giới tính thứ ba” là không hợp lý, có thể gây nhiều lầm lẫn. Thật vậy, truyền thống xã hội xây dựng gia đình ổn định dựa trên hiểu biết hai giới tính nam và nữ. Lưỡng tính là một bệnh lý, như y học đã xác định, không nên “bình thường hóa” bệnh lý bằng cách gọi tên là “giới tính thứ ba”.
Chuyển giới tính (transgender)
Theo thống kê về giới tính học của thế giới, tỉ lệ thích chuyển giới ở nam là 1/30.000 người. Ở nữ, tỷ lệ này là 1/100.000 người. Những người này, bộ nhiễm sắc thể, cả tuyến sinh dục bên trong lẫn bộ sinh dục bên ngoài hoàn toàn bình thường, nhưng do một yếu tố nào đó chưa xác định, họ có rối loạn về tâm lý giới tính, cảm thấy không hài lòng về phái tính của mình, ước ao sống phái tính ngược lại. Một số người tìm cách phẫu thuật để chuyển giới.
Theo y học, chuyển giới là trường hợp một người hoàn toàn là người nam về mặt sinh học – nghĩa là bộ nhiễm sắc thể 46XY, có bộ phận sinh dục nam hoàn chỉnh – gồm tinh hoàn, thừng tinh, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt, dương vật, giọng nói trầm, không có bầu ngực, không tuyến sữa…, nhưng lại cảm nhận mình là người nữ, khát khao là người nữ nên muốn chuyển đổi giới tính thành người nữ;
Hoặc ngược lại, một người nữ mang bộ nhiễm sắc thể 46 XX, có bộ phận sinh dục nữ hoàn chỉnh, có buồng trứng, tử cung, vòi trứng, âm đạo, hàng tháng có kinh nguyệt, có vú phát triển, có tuyến sữa nhưng vẫn cứ cảm nhận mình là nam và muốn trở thành người nam! Khát khao này đôi lúc rất mãnh liệt khiến người ấy thậm chí không muốn sống nếu không được chuyển giới.
Tại Việt Nam, một số người chuyển giới được biết đến như chuyên gia trang điểm Cindy Thái Tài, ca sĩ Cát Tuyền, ca sĩ Khánh Chi Lâm, Hương Giang idol, cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm, nhà thiết kế Franky Nguyễn…
Tiến trình y học để chuyển giới
Việc chuyển đổi giới tính là cả một quá trình lâu dài và phức tạp. Có thể tóm tắt như sau:
– Khám lâm sàng, làm tất cả các xét nghiệm cần thiết. Tiến hành tư vấn tâm lý.
– Dùng thuốc nội tiết liên tục trong một thời gian nhằm giúp một số bộ phận cơ thể họ thay đổi. Ở nam giới – muốn thành nữ giới – sự thay đổi ấy là lông, râu giảm bớt, giọng nói trở nên trong trẻo, các cơ bắp tay, chân nhỏ lại nhưng vú, mông thì to ra, tinh hoàn teo nhỏ. Ở nữ giới – muốn thành nam giới- cơ bắp to ra, giọng nói trở nên trầm, kinh nguyệt hết, lông, râu mọc nhiều hơn. Thuốc nội tiết có một số tác dụng phụ của việc phải sử dụng, như chóng mặt, cao huyết áp, thay đổi tính tình, tăng cân, trầm cảm…”.
– Phẫu thuật. Sau điều trị bằng thuốc nội tiết, một số bộ phận trong cơ thể đã thay đổi hết mức, người chuyển giới sẽ được làm phẫu thuật, bao gồm cắt bỏ cơ quan sinh dục trong, phẫu thuật bộ phận sinh dục ngoài để tạo hình bộ phận sinh dục mới, nâng ngực cho to lên (nếu muốn thành đàn bà) hoặc thu nhỏ bộ ngực (nếu muốn là đàn ông). Phải trải qua vài lần phẫu thuật mới có thể hoàn chỉnh.
Về việc phẫu thuật, một số bác sĩ cho rằng cuộc giải phẫu sẽ đem lại hậu quả tích cực cho tâm lý của đương sự. Nhưng sâu xa, vẫn là một sự thay đổi giả tạo và vì thế đương sự vẫn không cảm thấy thanh thản bình an. Do đó, một cách khách quan giải phẫu không phải là thần dược như một số người nghĩ.
– Sau khi làm xong, cả đàn ông lẫn đàn bà đều không còn khả năng sinh đẻ. Hơn nữa, phải sử dụng thuốc nội tiết – hầu như suốt đời nên ắt hẳn ảnh hưởng đến sức khỏe như sốc thuốc, tai biến nghẽn mạch, giảm tuổi thọ…
– Theo một vài báo cáo, chi phí tốn cho các ca giải phẫu chuyển giới ở nước ngoài khoảng 10.000 – 12.000 USD, mức thấp hơn là 4.000 – 6.000 USD. Thêm vào đó, chi phí chích nội tiết tố từ 120.000- 200.000 đồng/2 ống/tuần. Một số người chuyển giới tự mua và chích nội tiết tố, không có sự tư vấn của chuyên gia y tế đã dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Bên cạnh đó, người chuyển giới còn cần được theo dõi, nâng đỡ trong nhiều năm về mặt thể trạng, tâm lý và quá trình hội nhập cộng đồng. Theo Nghị định 88 và Thông tư số 29 của Nhà nước Việt Nam về xác định lại giới tính thì chỉ những bệnh viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là nhân lực – đội ngũ chuyên gia về các lĩnh vực liên quan đến xác định lại giới tính, phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép thì mới được xác định lại giới tính. Trong Nghị định 88 cũng giải thích rõ về trường hợp được phẫu thuật xác định lại giới tính: 1/lưỡng tính thật; 2/ Lưỡng tính giả hay các bệnh lý loạn tuyến sinh dục làm cho bộ phận sinh dục ngoài không rõ ràng.
Hiện Việt Nam chưa cho phép hợp thức hóa giới tính mới ở những người vốn bình thường mà chuyển giới, dù họ đã nhờ kỹ thuật tạo hình tạo cho mình một cơ thể hoàn toàn mới. Như thế, người chuyển giới gần như bị mất quyền nhân thân khi vì giới tính trong giấy tờ khác với giới tính hiện có và ngoại hình của họ. Chính điều ấy đã khiến những người đã chuyển giới lâm vào cảnh “mình chẳng phải mình”. Cô giáo Quỳnh Trâm là một thí dụ, cơ sở địa phương chấp nhận cho cô đổi giấy tờ nhân thân từ “nam” sang “nữ”, nhưng sau đó quyết định này bị chính quyền cấp cao hơn bác bỏ.
Tuyên bố xác nhận trong Y học – Y tế về Người đồng tính và Người chuyển giới
Theo các nhà khoa học ngày nay cho biết không phải là một căn bệnh, cả về tâm lý lẫn sinh lý. Điều này đã được Tổ Chức Y tế Thế Giới Liên Hiệp Quốc (WHO: World Health Organization) và Hội Tâm Thần Học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) xác nhận bằng cách loại bệnh đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các chứng bệnh trên thế giới và công nhận chuyển giới không phải là bệnh.
ICD (viết tắt của cụm từ tiếng Anh International Classification Diseases) là Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật của WHO. Lúc trước, trong bảng này có cả “Đồng tính luyến ái” và “Chuyển giới” trong chương nói về “Rối loạn tâm lý” (mental disoder). Nhưng sau này WHO đã loại ra khỏi bảng và công nhận chúng không phải là bệnh.
Từ lâu, ICD đã là chuẩn cho công tác nghiên cứu và thực hành y học trên phạm vi toàn thế giới giới. Vì vậy, nhiều người đã dựa vào lý thuyết của ICD để coi đồng tính, chuyển giới… là bệnh và cố gắng chữa trị hoặc triệt sản họ.
Bên cạnh đó, sự tồn tại của “çhuyển giới” trong ICD khiến người chuyển giới nói riêng và LGBT nói chung luôn bị người đời kì thị. Họ cho rằng nếu tổ chức y tế uy tín nhất thế giới vẫn xem chuyển giới là một chứng rối loạn tâm lý, thì chẳng việc gì phải đối xử với cộng đồng chuyển giới như người bình thường cả.
Và mới đây, một thay đổi mới mang tính lịch sử đã xuất hiện, với hy vọng sẽ mang lại sự bình đẳng hơn cho người chuyển giới. WHO đã công bố ICD-11 vào ngày 18/6/2018 vừa qua. Trong đó, những gì liên quan đến “Chuyển giới” đã bị loại ra khỏi chương “Rối loạn tâm lý”, để chuyển sang chương có tên “Những điều kiện liên quan đến sức khỏe giới tính” (tiếng Anh: Conditions related to sexual health).
Báo cáo này ghi rõ: “Những bằng chứng đã cho thấy chuyển giới không phải là một chứng rối loạn tâm lý. Chính sự phân loại này trước đây đã khiến cho làn sóng kì thị người chuyển giới vẫn còn tồn tại”. Theo đó, WHO cũng hy vọng người chuyển giới được chăm sóc sức khoẻ cẩn thận như người bình thường, và đó cũng là lý do mà chuyển giới vẫn còn nằm trong ICD.
Nói về sự thay đổi này, Rebecca Stinson (Giám đốc của tổ chức Stonewall – tổ chức chuyên về quyền của LGBT) chia sẻ: “Vốn dĩ chuyển giới không phải là bệnh, và tôi rất vui khi WHO nhận thấy điều đó. Từ nay, tất cả những người chuyển giới sẽ phải được thừa nhận đúng bản chất của họ, và được giúp đỡ, cũng như chăm sóc sức khoẻ đầy đủ từ các nhân viên y tế”.
Tham khảo từ: https://saostar.vn/love-wins/to-chuc-y-te-lon-nhat-the-gioi-vua-cong-nhan-chuyen-gioi-khong-phai-la-benh-3046912.html
Bàn về quyền chuyển đổi giới tính Dưới góc độ quyền nhân thân của cá nhân
VĂN THỊ HỒNG NHUNG (Ths, Giảng viên Khoa Pháp luật –Trường Đại học An ninh nhân dân) – Quyền chuyển đổi giới tính là một trong những quyền nhân thân của cá nhân, lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hiện nay, Luật chuyển đổi giới tính chưa được ban hành, cũng chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể. Tuy nhiên, từ những dự báo, đánh giá tác động của việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính, bài viết làm rõ những ảnh hưởng của quyền chuyển đổi giới tính đến các quyền nhân thân khác của cá nhân.
Cho đến nay, có nhiều quan điểm khoa học pháp lý khác nhau đề cập đến khái niệm quyền nhân thân với các góc độ tiếp cận khác nhau. Pháp luật thực định cũng có sự khác biệt khi quy định về quyền nhân thân. Tuy nhiên, có thể khái quát lại những đặc điểm cơ bản của quyền nhân thân như sau:
Thứ nhất, quyền nhân thân là một loại quyền dân sự thuộc về mỗi cá nhân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tất cả các cá nhân đều bình đẳng với nhau về quyền nhân thân, không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố khác như độ tuổi, giới tính, tôn giáo, trình độ,…
Thứ hai, quyền nhân thân không mang tính vật chất, không trị giá được bằng tiền mà hướng tới các giá trị tinh thần, có ý nghĩa cá biệt hoá cá nhân với cộng đồng, xã hội. Đặc điểm này cho phép phân biệt với quyền tài sản – là một quyền dân sự cơ bản, mang tính vật chất, có thể trị giá được bằng tiền. Chính vì mục đích tôn trọng, bảo vệ quyền của mỗi cá nhân, cá biệt hoá cá nhân với cộng đồng mà các quyền nhân thân không thể là đối tượng của các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thuê,…
Thứ ba, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác (trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác). Đây cũng là đặc trưng của quyền nhân thân khi chủ thể có quyền không thể tự mình định đoạt chuyển giao quyền cho chủ thể khác. Việc thực hiện quyền nhân thân phải do chính cá nhân đó thực hiện, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, người đại diện của cá nhân đó mới có thể thực hiện và cũng chỉ được phép chuyển giao khi luật khác có liên quan quy định.
Xuất phát từ những đặc điểm đó, trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, BLDS năm 2015 tiếp tục ghi nhận các quyền nhân thân của cá nhân từ Điều 25 đến Điều 39. Trong đó, Quyền chuyển đổi giới tính được ví như một cuộc cách mạng về quyền nhân thân của cá nhân trong BLDS năm 2015. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, quyền chuyển đổi giới tính đã được ghi nhận một cách chính thức tại Điều 37: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”.
Việc ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính trong BLDS năm 2015 đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với việc bảo vệ quyền của những người chuyển giới, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người. Đây là cơ sở pháp lý để có thể tiến hành xây dựng và điều chỉnh các quy định pháp lý có liên quan. Trong đó, cần có sự nhìn nhận quyền chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân đặc biệt của cá nhân và xem xét nó trong mối quan hệ tổng hoà với các quyền nhân thân khác. Việc xây dựng Luật chuyển đổi giới tính cần được sự quan tâm của toàn xã hội để có thể vừa bao quát, toàn diện, vừa cụ thể, chi tiết để đảm bảo việc thực thi quyền chuyển đổi giới tính trong thực tế được thuận lợi, hiệu quả.
Tóm lại
Cho dù bạn là ai, bạn có thế nào, hình hài ra sao,… Thì bạn vẫn hãy là chính bạn, hãy sống cho chính mình và chính tương lai của mình, tất cả được sinh ra là của tạo hóa, có người này người kia không ai giống ai cả. Mục đích chính là không vi phạm pháp luật, không vi phạm giáo lý của tôn giáo bạn đang theo.
Bởi vì, tôn giáo nói chung khuyên răng chúng ta:
- KHÔNG trộm cắp, lừa đảo,…
- KHÔNG dâm tà, dâm ô,…
- LUÔN làm việc thiện, tích đức, tu tâm,…
- YÊU THƯƠNG – GIÚP ĐỠ lẫn nhau,…
- KHÔNG phá hoại hạnh phúc của người khác,…
- SỐNG vui vẻ, hạnh phúc,…
- BÌNH ĐẲNG giới tính, tôn trọng lẫn nhau, không phân bua nói xấu sau lưng nhau,…
- …
Biên soạn bởi Phan Kim Ngân – ChuyenGioiNu.com.vn
Xin chào! Lại là Ngân xinh đẹp dễ thương đây ^^ Nhớ theo dõi Website Chuyển Giới Nữ thường xuyên nhé! Hoặc follow mạng xã hội của Ngân ở bên dưới.
Ngoài ra nếu bạn cũng là Chuyển giới nữ, có mong muốn đóng góp kiến thức cho cộng đồng thì hãy cùng Ngân phát triển Website + Fanpage Chuyển Giới Nữ này nhé!